Vấn đề chuyển đổi số hiện đã trở thành yêu cầu tất yếu với DN, được xem là chìa khóa cốt lõi trong vận hành DN, không chỉ để ứng phó linh hoạt với biến động ngoại cảnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, mà còn là lời giải cho bài toán phát triển bền vững của mọi DN trong kỷ nguyên số.
Covid-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Thống kê từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, 7 tháng đầu năm 2020, có gần 63,5 nghìn DN đã rút khỏi thị trường, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 DN đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vốn nhỏ và mới thành lập. Đáng chú ý, gần 33 nghìn DN trong số này đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng trên 40% so với cùng kỳ. Đây là năm ghi nhận lượng DN tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất từ 2015 đến nay, tăng đều ở tất cả lĩnh vực. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đến từ tác động của dịch Covid-19.
EVN đặt mục tiêu chuyển đổi số thành công vào năm 2022 |
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT chia sẻ, đây là lúc các DN phải có hành động ứng phó kịp thời. Các DN lớn như VPBank, PNJ, Tập đoàn Minh Phú, AA Corporation, Tập đoàn Thiên Long, FPT, Deloitte… đã từng chia sẻ những câu chuyện của mình và đưa ra các giải pháp thực tiễn vượt khủng hoảng bằng nhiều biện pháp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh doanh và mô hình làm việc, tối ưu nguồn nhân lực và ứng dụng chuyển đổi số.
Ông Hoàng Việt Anh – Phó tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số FPT cho biết, từ thực tế khách quan của chính FPT, giải pháp phân công tối ưu được áp dụng tại FPT Telecom đã giúp nhà viễn thông tiết kiệm hàng tỷ đồng, năng suất lao động tăng gần 28%, khách hàng có thể theo dõi lộ trình thực hiện của kỹ thuật viên thông qua app mobile. Hay giải pháp số hóa quy trình và giao việc tự động FPT Spro đã làm giảm 90% thời gian trung bình xử lý một tờ trình phức tạp, 70% thời gian phê duyệt trung bình của lãnh đạo, tăng 150% năng suất phục vụ của cán bộ hỗ trợ (back office). Hy vọng câu chuyện của FPT để các DN quyết tâm hơn trong quá trình chuyển đổi số.
Còn Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho rằng, giải pháp của tập đoàn là tìm cách giảm giá thành sản phẩm để kích thích tiêu dùng, bên cạnh tối đa hóa công suất của nhà máy bằng cách tăng lương cho nhân viên, khích lệ tinh thần của người lao động. Ở chiều ngược lại, để đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi, Công ty Minh Phú phải tăng tỷ lệ nuôi thành công lên 90%. Làm được điều đó, không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa tỷ lệ nuôi thành công lên cao nhất.
Cùng với đó, để giải quyết bài toán gián đoạn chuỗi cung ứng, việc đưa vào ứng dụng nền tảng hội chợ trực tuyến sẽ giúp kết nối các DN trong và ngoài nước một cách dễ dàng. Minh chứng cụ thể nhất là Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã đưa vào ứng dụng nền tảng này với 50 showroom đang hoạt động, dự kiến đến cuối năm con số này sẽ lên mức 100 showroom.
Từ kinh nghiệm thành công bước đầu trong thực hiện số hóa các hoạt động của DN, ông Nguyễn Hữu Kiều – Chủ tịch HĐQT MGLAND Việt Nam chia sẻ, các DN khi bắt tay vào số hóa không nên triển khai đồng loạt trên cả hệ thống mà nên chọn một khâu mạnh nhất, cần thiết nhất với sự ủng hộ và quyết tâm lớn nhất của toàn thể nhân viên. Và MGLAND Việt Nam chọn khâu kế toán để tiến hành số hóa đầu tiên.
Xu thế chuyển đổi số kích hoạt Make in Vietnam
Đặt trong bối cảnh dịch Covid quay trở lại với nhiều diễn biến phức tạp, một lần nữa lại cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác vận hành DN nhằm ứng phó kịp thời và giảm thiểu các ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài đến DN. Vấn đề chuyển đổi số hiện đã trở thành yêu cầu tất yếu với DN, được xem là chìa khóa cốt lõi trong vận hành DN, không chỉ để ứng phó linh hoạt với biến động ngoại cảnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, mà còn là lời giải cho bài toán phát triển bền vững của mọi DN trong kỷ nguyên số.
Ở chiều hướng khác, chuyển đổi số cũng tạo cơ hội cho DN công nghệ phát triển sản phẩm của mình, là cách tốt nhất để thúc đẩy và tạo ra các sản phẩm “Make in Vietnam”. Thị trường nội địa với 100 triệu dân là mục tiêu cạnh tranh quan trọng nhất của DN Việt, bởi không ai hiểu người Việt Nam, hiểu nhu cầu Việt Nam hơn chính người Việt Nam.
Vì vậy, “Make in Vietnam” vừa là thuật ngữ truyền tải chiến lược, lời hiệu triệu và sự chuyển hướng phát triển của các DN Việt Nam, vừa là kỳ vọng về sự dịch chuyển mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động. Khi thực hiện “Make in Vietnam” sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ số cốt lõi của cuộc CMCN 4.0. Nhờ vậy giá trị gia tăng của các sản phẩm cũng sẽ cao hơn, giúp Việt Nam cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ, mà quan trọng hơn, có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi kinh tế toàn cầu, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ một dẫn chứng, vừa qua đã có cam kết của 50 nghìn DN trong ngành sẵn sàng trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng chương trình chuyển đổi số ngành điện. EVN sẽ là DN nhà nước tiên phong chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, với mục tiêu không phải vào năm 2025, mà là sớm hơn, vào năm 2022.
Chuyển đổi số cũng đồng nghĩa là dám ứng dụng công nghệ mới, dám thay đổi mô hình quản trị, dám thay đổi mô hình kinh doanh, dám chấp nhận các mô hình mới, quan trọng hơn còn là sáng tạo công nghệ. Mặt khác, việc chuyển đổi số có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào sự dẫn dắt của người đứng đầu. Vậy nên, các nhà lãnh đạo cần có khát khao, có quyết tâm và đủ năng lực.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, EVN chuyển đổi số thành công sẽ tạo cảm hứng cho tất cả các DN khác, các lĩnh vực khác chuyển đổi số. Đó còn là do EVN sở hữu nhiều ưu thế trong chuyển đổi số: là tập đoàn mạnh, có tiềm lực tài chính, có hạ tầng quy mô, sở hữu nhiều nguồn dữ liệu và dễ dàng kết nối với các đối tác.
Hữu An