Các loại giấy phép môi trường hiện hành

Các loại giấy phép môi trường là những văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp có phát sinh tác động xấu đến môi trường. Việc cấp giấy phép này nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, giấy phép này còn là cơ sở để cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến xả thải của các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhà nước đã làm rõ về các loại giấy phép môi trường như sau:

“Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, quản lý chất thải kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường.”

Hiểu một cách đơn giản, bất kỳ cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, sản xuất phát sinh ra chất thải thì cần phải có giấy phép môi trường do cơ quan quản lý cấp. Chỉ khi có được giấy xác nhận này, các tổ chức, doanh nghiệp mới đủ điều kiện để chính thức đi vào hoạt động sản xuất.

 

Các loại giấy phép hiện hành
Loại giấy phép này là điều kiện bắt buộc khi doanh nghiệp cần thải chất thải

 

Nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, theo quy định, kể từ ngày 01/01/2022, các loại giấy phép môi trường sẽ được tích hợp lại thành một loại hồ sơ duy nhất, gọi là Giấy phép môi trường. Theo đó, 7 loại giấy phép được tích hợp bao gồm:

1. GIẤY XÁC NHẬN HOÀN THÀNH CÔNG TRÌNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đây là căn cứ để cơ quan Nhà nước kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường(BVMT) trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ sở để chủ đầu tư dự án đi vào vận hành, hoạt động.

2. GIẤY PHÉP XẢ THẢI VÀO NGUỒN NƯỚC

Đây là giấy phép tài nguyên nước, quy định về lưu lượng, chất lượng nước thải trước khi xả ra nguồn tiếp nhận phải an toàn với môi trường. Đạt quy chuẩn của Bộ TNMT quy định dựa trên quá trình phân tích, đánh giá các thông số ô nhiễm trong nước thải có thể gây ảnh hưởng đến nguồn tiếp nhận.

3. GIẤY PHÉP XẢ THẢI VÀO CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Đây cũng là giấy phép tài nguyên nước để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát lưu lượng, chất lượng nguồn nước xả ra công trình thủy lợi. Nhằm đảm bảo lượng nước thải phải đáp ứng các thông số, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

4. GIẤY XÁC NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ BVMT TRONG NHẬP KHẨU PHẾ LIỆU LÀM NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT

Là loại giấy cấp cho các cá nhân, tổ chức nhập phế liệu làm nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa. Đây là yêu cầu về BVMT và các cá nhân, tổ chức sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

5. GIẤY PHÉP XẢ KHÍ THẢI CÔNG NGHIỆP

Theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý khí thải công nghiệp. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh lượng khí thải lớn ra môi trường phải tiến hành đăng ký chủ nguồn khí thải công nghiệp và chủ nguồn thải sẽ được cấp giấy phép xả khí thải công nghiệp. Căn cứ vào đó, cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát và quản lý các nguồn khí thải có tính chất phức tạp dễ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về môi trường, tạo ra môi trường đầu tư bền vững.

6. SỔ ĐĂNG KÝ CHỦ NGUỒN CHẤT THẢI NGUY HẠI

Là loại hồ sơ môi trường mà các chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải nguy hại phải đăng ký với cơ quan chức năng để được cấp phép kinh doanh và xử lý chất thải nguy hại (theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TNMT).

7. GIẤY PHÉP XỬ LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Là loại giấy phép cấp cho chủ đầu tư có dịch vụ xử lý chất thải nguy hại như xử lý, tái chế bao gồm cả các hoạt động như vận chuyển, trung chuyển, sơ chế, lưu giữ. Và đây cũng là một trong 7 giấy phép môi trường thành phần.

 

Yêu cầu giấy phép môi trường
Các yêu cầu đối với giấy phép

 

Căn cứ theo Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các đối tượng phải có giấy phép môi trường được quy định như sau:

Dự án đầu tư nhóm I (dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao), nhóm II (dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trương), nhóm III (dự án có ít nguy cơ tác động xấu đến môi trường) có phát sinh nước thải, bụi, khí thải,  chất thải nguy hại ra môi trường phải được xử lý hoặc quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải trước khi đi vào vận hành chính thức.

Dự án đầu tư, khu sản xuất, cơ sở, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, kinh doanh có thời gian hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải nguy hại, bụi, nước thải, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý.

Các đối tượng quy định tại Mục a Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nếu thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật sẽ được miễn giấy phép môi trường

Dựa theo Khoản 2 Điều 41 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, thời điểm cấp giấy phép môi trường được phân thành hai loại:

  • Dự án thuộc đối tượng lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Các dự án này phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải.
  • Dự án không phải đối tượng lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Các dự án này phải có giấy phép môi trường trước khi cơ quan chuyên môn phê duyệt kế hoạch thăm dò và thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi. Nếu dự án không thuộc đối tượng lập ĐTM (lập đánh giá tác động môi trường) và cần phải thẩm định báo cáo khả thi theo quy định về xây dựng thì cần xin giấy phép môi trường trước khi điều chỉnh, cấp giấy phép xây dựng. Ngoài ra, nếu dự án đã đi vào hoạt động trước khi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực, doanh nghiệp phải hoàn thành giấy phép môi trường trong vòng 36 tháng kể từ ngày luật có hiệu lực.

Dựa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020, thời hạn của giấy phép môi trường sẽ được quy định như sau:

Thời hạn là 07 năm đối với dự án đầu tư thuộc nhóm I.

Thời hạn là 07 năm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu sản xuất, cụm công nghiệp, dịch vụ tập trung đã hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường giống như dự án đầu tư thuộc nhóm I.

Thời hạn là 10 năm đối với đối tượng không thuộc quy định tại Điểm a, b Khoản 4 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Thời hạn giấy phép môi trường có thể ngắn hơn so với quy định tại các Điểm a, b và Điểm c Khoản 4 Điều 40 Luật BVMT 2020 theo đề nghị của chủ dự án đầu tư cơ sở, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ tập trung, kinh doanh, cụm công nghiệp (gọi chung là chủ dự án đầu tư, cơ sở).

Thời hạn đăng ký các loại giấy phép môi trường

Thời hạn của các loại giấy phép môi trường là 7 – 10 năm tuỳ đối tượng

Trên đây là những thông tin tổng hợp về các loại giấy phép môi trường theo quy định của cơ quan nhà nước. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp các giải pháp môi trường, chọn công ty tư vấn môi trường sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc đăng ký giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật.

Hãy liên hệ với chúng tôi: Viện Khoa học Công nghệ và Môi Trường – INOSTE.

                                                                                                                      Mạnh Chí

Liên hệ tư vấn miễn phí: Viện Khoa học Công nghệ và Môi Trường – INOSTE

INOSTE – ĐỒNG HÀNH CÙNG HỢP TÁC XÃ

Địa chỉ: Tòa nhà NEDCEN, Số 149 Giảng Võ, P.Cát Linh, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0243.8234.456 | Email: coste@vca.org.vn | Website: www.inoste.vn