Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để hợp tác xã (HTX) nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau cho hay, những năm gần đây, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất đang được Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhằm tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của khoa học công nghệ vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phải chú trọng đến HTX, doanh nghiệp để liên kết tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, trong đó người nông dân là chủ thể của sản xuất. Việc tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ thông qua HTX, doanh nghiệp là con đường ngắn nhất và nhanh nhất ở Cà Mau để đưa khoa học công nghệ trở thành động lực kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Nhiều HTX ở Cà Mau đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ số vào mua bán, tăng doanh thu – Ảnh: CTV
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 275 HTX, trong đó, có 225 HTX đang hoạt động. Thời gian qua, một số HTX đã mạnh dạn chuyển đổi theo hình thức sản xuất hiện đại, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao như: ứng dụng công nghệ sime-biofloc và nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức siêu thâm canh; ứng dụng công nghệ nuôi tôm theo quy trình nuôi trồng thủy sản tốt – VietGAP; HTX ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh nhanh, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản; ứng dụng công nghệ cơ giới hóa trong thu hoạch, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất dưa hấu; ứng dụng thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP và ICM trong sản lúa; có 2 HTX ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất lúa – tôm.
Nổi bật là HTX ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức siêu thâm canh ở mức độ nhỏ lẻ, diện tích nuôi tôm từ 36 – 52 ha/HTX, thành viên tham gia từ 32 – 36 người, năng suất bình quân trên 22 tấn/vụ/ha, cá biệt đạt trên 50 tấn/vụ/ha. HTX Lý Văn Lâm (TP.Cà Mau) thực hiện canh tác dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gieo trồng 17ha, năng suất đạt bình quân 40 tấn/ha, đã được hỗ trợ đầu tư thực hiện chứng nhận, liên kết đầu ra, cung ứng vào các siêu thị Co.opmart Cà Mau, Co.opmart Sài Gòn.
Năm 2023, Trung tâm Đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác (CCD) thuộc Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp – PTNT II kết hợp Công ty Sorimachi Việt Nam lựa chọn 21 công ty, doanh nghiệp, HTX tham gia thử nghiệm miễn phí 2 phần mềm gồm: Nhật ký sản xuất điện tử (FaceFarm) và Hạch toán chi phí sản xuất – kế toán (WACA).
Theo đó, đối với phần mềm nhật ký sản xuất (FaceFarm) đã có 11 đơn vị đăng ký. Lĩnh vực kế toán dành cho HTX (WACA) có 10 đơn vị đăng ký. Đến nay, có 2 đơn vị đã áp dụng là HTX Ba Khía Đầm Dơi, HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Dân Phát.
Để kinh tế tập thể phát triển, HTX cần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh – Ảnh: CTV
Theo đánh giá từ Chi cục NN-PTNT tỉnh Cà Mau, mặc dù thời gian qua, Cà Mau đã quan tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX còn nhiều hạn chế.
Để phát huy hiệu quả, cần nâng cao nhận thức của HTX đối với công tác chuyển đổi số. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có một số HTX ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng các HTX này chủ yếu chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ về phương pháp và kỹ thuật sản xuất, còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, kinh doanh sản phẩm chưa được chú trọng. Phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh đang hoạt động với phương thức nhỏ lẻ, theo lối truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
Về nguồn nhân lực, phần lớn cán bộ, thành viên HTX xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất, chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, tiếp cận thị trường số, làm việc trên môi trường mạng hay mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế. Đồng thời, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa thường xuyên.
“Chuyển đổi số trong phát triển HTX nông nghiệp là vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX. Trong khi đó, hầu hết các HTX nông nghiệp đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Hoạt động của HTX nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất kinh doanh truyền thống. Năng lực tài chính yếu nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đánh giá.
Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể – Ảnh: CTV
Cùng với đó, năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, điều hành HTX nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Lực lượng lao động, thành viên của HTX nhìn chung thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc, thiếu kỹ năng trong tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin…
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của HTX nông nghiệp còn lạc hậu, nhiều HTX nông nghiệp chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng.
Để thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, việc áp dụng chuyển đổi số được xem là sự phát triển mang tính tất yếu trong tình hình hiện nay. Để các HTX mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh theo hướng hiện đại, hiệu quả, theo ông Nguyễn Chí Thuần – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, việc cần làm đầu tiên là tập trung tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về quá trình chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX các cấp; cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX; tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, tập trung vào kỹ năng tiếp thị, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao…
Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cho các HTX để HTX phát huy được vai trò cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm…
Cần xây dựng hệ thống tiện ích, giám sát, tăng hiệu năng quản trị nội bộ bằng công nghệ số cho các HTX như: quản trị nhân sự, xuất nhập tồn kho, định giá vốn, giá bán; quản lý sản xuất, vùng canh tác, quản trị hàng hóa theo lô, theo mã; quản lý chuỗi cung ứng (đóng gói, vận chuyển, kho lưu trữ)… cho phép theo dõi, tư vấn, hướng dẫn thực hiện các quy trình sản xuất, vận hành, thao tác từ xa; tạo và kết thúc hoạt động trên hệ nhật ký điện tử chuyên biệt của hệ thống. Đồng thời, phải giúp HTX kết nối với các kênh thông tin về chính sách, kỹ thuật, thị trường với các đơn vị cung ứng vật tư, vận chuyển, tiêu thụ để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Theo tạp chí Một thế giới