Để HTX tồn tại và phát triển, mỗi HTX phải có kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh phù hợp. Vậy nhưng do cả lý do khách quan và chủ quan, nhiều HTX vẫn sản xuất nhưng chưa biết kết quả ra sao. Điều này khiến sản phẩm hàng hóa của HTX khó đứng vững trên thương trường, HTX cũng rơi vào tình trạng bị động, chịu nhiều rủi ro.
Là một trong những HTX sản xuất lúa và nuôi tôm quy mô lớn ở Bạc Liêu với 383ha, thu hút gần 170 thành viên nhưng HTX nông nghiệp tổng hợp Ba Đình cho biết vẫn gặp những khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Ông Nông Văn Thạch, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết thiếu vốn sản xuất, đầu tư máy móc sơ chế, đóng gói gạo là một trong những trở ngại của HTX. Điều này một phần là do HTX còn gặp khó khăn trong xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên dẫn tới chưa tiếp cận được với những đơn vị cho vay vốn.
Nhiều HTX chưa có phương án hiệu quả
Thống kê cho thấy đến 2023, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Từ những con số này Ts Nguyễn Bích Thủy (Trường Đại học Thương Mại) cho biết, khoảng 60-70% HTX hoạt động hiệu quả, không thể không nhắc đến vai trò của việc xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh. Ngược lại, có những HTX hoạt động khó khăn, hòa vốn hoặc lỗ một phần cũng vì chưa có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, dài hơi. Hoặc có những HTX có phương án sản xuất kinh doanh nhưng chưa hiệu quả, không đủ sức thuyết phục nên không hấp dẫn được nông dân, thành viên và cũng khó thuyết phục đơn vị vay vốn, các dự án, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ vay vốn.
Ông Ma Ngọc Thành, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Thổ Bình (Tuyên Quang) cho biết, phương án sản xuất kinh doanh tưởng là không quan trọng nhưng thực chất lại rất quan trọng với HTX.
Ngay tại Thổ Bình, dù phát triển nhiều dịch vụ, trải qua dịch bệnh và gặp không ít khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nhưng nhờ lên phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, HTX đã củng cố được hoạt động, thực hiện vừa tái sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển được chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ đắc lực cho người dân làm nông nghiệp thông qua bảo đảm đầu vào và đầu ra, kết hợp với đầu tư chế biến nông sản. Từ đó, doanh thu và lợi nhuận được bảo đảm theo đúng kế hoạch. Việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ cũng thuận lợi hơn.
Lập kế hoạch sản xuất như một công cụ nâng cao hiệu quả sản xuất cho HTX. |
“Phương án sản xuất kinh doanh giúp lãnh đạo HTX tổ chức, điều hành và cân đối sản xuất kinh doanh. Phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh còn giúp HTX kiểm soát vấn đề tài chính, tránh tình trạng doanh thu thì lớn nhưng lợi nhuận thì chẳng là bao”, ông Ma Ngọc Thành cho biết.
Khẳng định phương án sản xuất kinh doanh là cần thiết đối với một HTX nếu muốn hoạt động hiệu quả những ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đăk Nông, cho rằng việc này hiện đang được các HTX có nguồn nhân lực trẻ làm khá tốt. Còn những HTX có nhân lực lớn tuổi lại gặp nhiều khó khăn vì chưa biết lập kế hoạch sản xuất kinh doanh sao cho hiệu quả, phù hợp.
Do chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi mà nhiều khi, HTX tham gia quá nhiều vào việc thực hiện sản xuất, kinh doanh. Cũng có khi HTX chỉ tập trung vào xử lý các vấn đề về tài chính trong ngắn hạn mà không có nhiều quỹ thời gian hoặc không phân bổ tài chính hợp lý để giúp các thành viên định hướng cho tương lai hoặc ngược lại.
Cần con số cụ thể cho từng giai đoạn
Tuy nhiên, nhiều HTX không lập được phương án sản xuất, kinh doanh có đủ sức thuyết phục cũng có lý do. Bởi hiểu một cách đơn giản, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh chính là việc đánh giá nhu cầu và tiềm năng của thành viên, nông dân để họ có những kỳ vọng thực tế về những gì họ có thể cung cấp và những gì họ có thể có nhận lại.
Nhưng đối với các HTX, thành viên và ban giám đốc HTX điều này không dễ dàng vì họ rất khó lên kế hoạch sản xuất lúa hay rau màu trong một đợt hạn hán hoặc một đợt dịch hại sẽ xảy ra. Ngay như đợt dịch Covid-19 đã diễn ra, nhiều HTX cũng “trở tay không kịp” vì nhiều vấn đề xảy ra khá bất ngờ.
Dưới góc độ một doanh nghiệp đang liên kết với HTX và hỗ trợ HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, bà Trung Thị Sơn, Giám đốc công ty cổ phần Đông Nam dược miền Trung, cho rằng thực tế nhiều điều khó có thể dự báo trước khiến HTX rơi vào tình trạng bị động. Nhưng xét về khía cạnh sản xuất kinh doanh thông thường, dường như ngành nông nghiệp không thay đổi nhiều về diện tích đất có sẵn, số lượng cây-con, hoặc vấn đề trả lãi suất cho một khoản vay là những con số HTX có thể dự kiến được một cách phù hợp. Việc tìm kiếm đầu ra, quảng bá nông sản cũng có thể dự trù hoặc có kế hoạch cụ thể nhờ chủ động hoặc tham khảo các dự báo về thị trường.
Một điều quan trọng hiện nay là với nhiều HTX có ban lãnh đạo lớn tuổi, việc làm một kế hoạch sản xuất hiệu qủa không hề dễ nên cần cung cấp, hỗ trợ cho nông dân, giám đốc HTX trong vấn đề này. Cụ thể là có thể tạo điều kiện cho HTX tham gia các khóa đào tạo về lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh.
Nhưng dù thể nào HTX cũng cần có mục tiêu sản xuất kinh doanh với những con số về chi phí, doanh thu, lợi nhuận, dự phòng, phát sinh cụ thể cho từng giai đoạn, từ đó làm nền tảng có những kế hoạch, mục tiêu về sau.
Ông Ưng Thế Lãm, chuyên gia tư vấn, giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu, cho rằng có lập phương án sản xuất kinh doanh chi tiết, HTX mới biết mình thu lợi khoảng bao nhiêu sau quá trình đầu tư, tránh tình trạng mất tiền bạc, công sức sản xuất kinh doanh nhưng không biết mình có thu được lợi nhuận hay không hoặc không biết đầu ra tiêu thụ ở đâu.
Để giải quyết được điều này, một trong những việc HTX cần làm trong quá trình lập kế hoạch đó là lập bản đồ, bảng biểu chính xác của từng tài sản, kết hợp phân tích chi tiết nguồn nước và đất, hỗ trợ thành viên quyết định những loại cây-con thích hợp.
Chẳng hạn như một HTX chăn nuôi cần có kế hoạch cụ thể, một bảng ghi lại thời gian sinh và thời gian giao phối, theo dõi tốc độ tăng trưởng và lập kế hoạch thời gian tối ưu để bán vật nuôi ra thị trường. Việc thống kê, lưu dữ những thông tin trong sản xuất kinh doanh một cách đầy đủ có thể giúp HTX có những quyết định tốt hơn, từ đó có thể dẫn tới cải thiện đời sống cho nông dân. Chính vì vậy, cần ứng dụng công nghệ vào lưu trữ thông tin từ đó tạo thuận lợi cho lập kế hoạch cụ thể.
Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn