Cú hích bán hàng cho HTX thời 4.0

Sự ảm đạm trong mua bán theo hình thức truyền thống và sự trỗi dậy mạnh mẽ của mua bán online đã khiến nhiều HTX thức tỉnh và có những thay đổi để không rơi vào cảnh ‘chết yểu’. Tuy nhiên, bán hàng online cũng phải cạnh tranh rất lớn, và không phải HTX cứ đăng bài, cứ livestream là có được doanh thu.

Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm sau mưa. Nếu các HTX mãi giữ cách bán hàng truyền thống sẽ rất khó tồn tại. Đó là cảm nhận của rất nhiều giám đốc, thành viên HTX.

Bán hàng truyền thống lui vào ngõ hẹp

Thực tế tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ Vương Ngọc Thảo (Lào Cai) là một ví dụ. Dù phát triển được rất nhiều sản phẩm là đặc sản của Lào Cai và chọn được địa điểm mở cửa hàng ở một trong những nơi thu hút đông khách du lịch trên địa bàn tỉnh nhưng mới đây, HTX cũng buộc phải sang nhượng cửa hàng vì không thể kham nổi chi phi, tiền sản xuất, vận chuyển… trong khi khách đến mua hàng trực tiếp tại cửa hàng dường như vắng bóng.

“Dù bỏ rất nhiều công sức, chi phí vào đầu tư cửa hàng bán đặc sản nhưng HTX buộc phải đóng cửa vì lượng khách du lịch đến tham quan rất thưa thớt. Trong khi dự báo năm tới, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm, đi du lịch của người dân”, chị Vương Ngọc Thảo, Giám đốc HTX cho biết.

Tuy gặp khó khăn bởi hình thức bán hàng trực tiếp nhưng HTX Vương Ngọc Thảo lại tìm thấy tia sáng từ bán hàng online đa kênh. Và chính hình thức bán hàng này đang là cứu cánh giúp HTX gồng gánh hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho 10 thành viên và một số lao động thời vụ. Đặc biệt, nhiều đặc sản của Lào Cai đã đến được với người tiêu dùng ở nhiều tỉnh thành.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung (Kon Tum), cho biết để có được các đơn vị phân phối ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước và xuất khẩu được như hiện nay, chỉ có bán hàng online mới giúp HTX làm được điều đó.

Có thể thấy, sự bùng nổ của công nghệ, internet và các loại hình vận chuyển hàng hóa thời 4.0 giúp thị trường mua-bán online ngày một sôi động. Nếu như việc bán hàng theo hình thức truyền thống ở một số HTX đang gặp những khó khăn thì bán hàng trực tuyến đang ngày càng đa dạng về hình thức, giúp nhiều HTX đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của người tiêu dùng.

-8066-1708334124.jpg

Tiếp cận kênh bán hàng hiện đại giúp nông dân, HTX giải quyết được khó khăn về đầu ra cho nông sản.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho rằng xu hướng thương mại điện tử đã phát triển rất nhanh và mạnh trong thời gian gần đây. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân cũng đã thay đổi theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ.

Trong khi người dân, HTX, doanh nghiệp đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm, nông đặc sản đặc trưng đã được nông dân, HTX chuyển thể bằng những câu chuyện cụ thể, thông qua những video ngắn, từ đó tạo ra cảm xúc cho người xem, người mua. Điều này không chỉ giúp người dân, HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua kênh online thuận lợi mà còn giúp việc tiêu thụ nông sản online được rộng mở hơn.

Thống kê của Metric cho thấy, năm 2023, 5 sàn thương mại điện tử (Tiki, Tik Tok Shopee, Lazada, Sendo) đạt 232.134 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Không chỉ tăng trưởng so với năm 2023, đơn vị này cũng dự báo doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử này vào năm 2024 có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 35% so với năm 2023. Trong đó, livestream và bán hàng đa kênh vẫn là hình thức kinh doanh chính nâng cao doanh thu cho nhà bán lẻ trong năm 2024.

Thực tế, sau mỗi lần livestream, nhiều HTX đã kết nối với các cơ sở sản xuất, nhà phân phối, chốt được các đơn hàng trên kênh của mình. Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Farm (Hòa Bình) cho biết có thời điểm HTX chốt bán được 3 tấn cam/ngày nhờ livestream. Ngoài ra kênh facebook với hơn 1.000 theo dõi giúp HTX giới thiệu sản phẩm online một cách thuận tiện.

Tránh bị động

Thực tế, ngày càng nhiều nông dân, HTX nhận thức được vai trò của khoa học công nghệ trong việc quảng bá, tiêu thụ nông sản và tiếp cận người tiêu dùng. Đặc biệt, các HTX hiện nay đã chú trọng bán hàng đa kênh trên sàn thương mại điện tử, trên website, trên trang facebook, tiktok, trong đó có sử dụng hình thức livestream.

Trong đó, hình thức đang mang lại hiệu quả cao cho các HTX đó là kết hợp với những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội và xây dựng các video ngắn để giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất. Như tại HTX ba khía Đầm Dơi (Cà Mau), dù 2 tuần đầu bán hàng online, HTX không có người mua, nhưng sau đó nhờ làm video giới thiệu cách ăn ba khía, ngày nào HTX cũng bán hết tất cả hàng hóa mà thành viên sản xuất.

Đối với chị Nguyễn Thị Tường Thảo (Lâm Đồng), nhờ làm video hoặc thực hiện các livestream giới thiệu rau củ quả đặc trưng, sau 6 tháng thành lập kênh tiktok, từ 1 nhân viên bán hàng, Nguyễn Thị Tường Thảo đã thành Phó Giám đốc HTX nhà vườn Đà Lạt, đảm nhận khâu bán hàng trực tuyến cho HTX với doanh thu 1-2 tỷ đồng/tháng.

Theo các chuyên gia, làm video, livestream bán hàng tại nơi sản xuất là cách giúp HTX bán hàng, chốt đơn khá hiệu quả vì giúp người tiêu dùng, người xem tiếp cận được với người thật, sản phẩm thật và có thể mua tại gốc.

Bên cạnh đó, nhiều HTX thay vì thuê người livestream, người làm các video thì đã tự làm và thành chính nhân vật trong video, trong livestream đó.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan, – đơn vị cung ứng các giải pháp bán hàng đa kênh, cho rằng điều này vừa tăng tính xác thực cho video, livestream, vừa giúp các HTX giải quyết được khó khăn về vấn đề chi phí đầu tư. Đi liền với đó, thành viên, giám đốc HTX chính là người làm ra sản phẩm, gắn bó mật thiết với HTX nên họ hiểu rất rõ về sản phẩm. Việc giới thiệu sản phẩm vì thể cũng hạn chế được sai sót, nhất là đối với những sản phẩm có chiều dài về giá trị văn hóa, đặc sản vùng miền.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho biết việc thành viên HTX tự làm nhân vật giới thiệu sản phẩm, thành đại diện hình ảnh cho HTX cũng tránh được tình trạng đứt gánh giữa đường khi thuê người ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay, các thành viên HTX vẫn còn chưa mạnh về công nghệ, marketing… nên ngành chức năng cần hỗ trợ HTX xây dựng đội ngũ chuyên về làm video, hình ảnh thay vì chỉ có 1 người chuyên làm để tránh tình trạng bị động. Đặc biệt, trong thời gian tới, công nghệ, hạ tầng phát triển mạnh, việc bán hàng online tại HTX cũng cần chuyên nghiệp hơn nên việc chú trọng đầu tư nhân lực trong mảng này sẽ giúp các HTX trở thành những đơn vị sản xuất kinh doanh thức thời, tránh rơi vào ngõ hẹp như hình thức bán hàng truyền thống.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn