Phú Thọ có số lượng lớn các hợp tác xã (HTX) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách thúc đẩy việc phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong HTX. Qua đó góp phần quan trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, hướng đến phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang có khoảng 300 HTX thực hiện trồng lúa với tổng diện tích lúa gieo trồng ước đạt 58,4 nghìn ha, năng xuất bình quân đạt 62 tạ/ha. Tuy nhiên sản lượng các HTX tiêu thụ cho thành viên chưa nhiều, chủ yếu các thành viên tự tiêu thụ sản phẩm thông qua các thương lái. Do đó, thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, giá cả sản phẩm, lợi ích của người sản xuất không được đảm bảo.
Để hỗ trợ HTX nói chung và HTX lĩnh vực nông nghiệp nói riêng phát triển bền vững thì liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu và không thể thiếu của các HTX; đây là trách nhiệm của tất cả các bên tham gia trực tiếp trong chuỗi giá trị và cũng là chỉ đạo, định hướng của Đảng, nhà nước. Muốn làm được điều đó, cần khuyến khích HTX tích tụ ruộng đất mở rộng sản xuất; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất; hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX có đủ khả năng làm trung gian liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp, HTX khác.
Năm 2023, Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường – Liên minh HTX Việt Nam tư vấn, hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP; phối hợp với Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật – Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ cấp mã số vùng trồng cho 443ha lúa của 3 HTX: HTX NN xã Hùng Việt (Cẩm Khê); HTX DVNN – ĐN Vĩnh Lại và HTX DV NN Cao Xá (Lâm Thao). Thông qua việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP người dân hiểu rõ hơn sự cần thiết, lợi ích của người sản xuất, người tiêu dùng; các yêu cầu cần tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất: giống, đất, nước, thuốc BVTV, phân bón, rác thải… Đồng thời, việc cấp mã số vùng trồng giúp các HTX dễ dàng theo dõi sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm; và mã số vùng trồng được coi là “tấm vé thông hành” của sản phẩm lúa gạo có điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, đặc biệt có cơ hội để xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Ông Hoàng Ngọc Tín – Giám đốc HTX DV NN Cao Xá, Lâm Thao cho biết: vụ mùa năm 2023, được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, HTX đã triển khai sản xuất 108ha lúa Khang Dân 18 theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngay từ đầu vụ, HTX đã hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình từ khi gieo mạ, chăm sóc đến thu hoạch; HTX thực hiện cung cấp toàn bộ nguồn nguyên liệu đầu vào Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật …, toàn bộ quá trình sản xuất được quản lý chặt chẽ, minh bạch và đảm bảo sự an toàn cho sản phẩm lúa gạo. HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ thành viên và ký hợp đồng cung cấp khoảng 500 tấn gạo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho HTX mì gạo Hùng Lô (TP Việt Trì).
Không chỉ hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, HTX nông nghiệp xã Hùng Việt (Cẩm Khê) còn khuyến khích các thành viên liên kết để phát triển thêm dịch vụ sản xuất sản phẩm từ gạo như mì, bún, là sản phẩm truyền thống của địa phương. Được sự tư vấn, định hướng, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, một số thành viên HTX mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, tổ chức sản xuất sản phẩm mì gạo Thạch Đê. Mặc dù sản phẩm của HTX mới được đưa ra thị trường, đang trong quá trình hoàn thiện bao bì, ổn định chất lượng sản phẩm, tuy nhiên HTX đang tích cực quảng bá, kết nối phân phối sản phẩm tại thị trường tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận, bước đầu sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích và đánh giá chất lượng tốt, thơm ngon, bao bì đẹp mắt; tạo việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định. Sản phẩm mì gạo Thạch Đê của HTX đã được UBND huyện Cẩm Khê đánh giá và phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Ðể hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển bền vững, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương, đồng chí Nguyễn Quốc Dũng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: HTX có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý theo mã số vùng trồng; ứng dụng đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất, chế biến sản phẩm, từ đó từng bước chuẩn hóa các tiêu chuẩn và nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua đó HTX giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tiếp cận khoa học công nghệ, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để nâng cao chất lượng cây trồng và hạn chế ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng, từ sản xuất đến thu hoạch sẽ giúp thành viên HTX giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Trong thời gian tới Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam, các sở, ngành hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh. Định hướng HTX tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình hiệu quả, tổ chức liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ HTX ứng dụng thương mại điện tử, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… Cùng với đó, tạo điều kiện để các HTX gặp gỡ, kết nối với các đối tác, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.