Khái niệm thuỷ sản là gì?
Thủy sản (Aquaculture) là các loài có trong hoạt động nuôi trồng, khai thác, thu hoạch trong môi trường nước nhân tạo của con người (như thâm canh, quảng canh,…) nhằm mục đích thương mại hoặc tiêu dùng cá nhân. Các loài trong nhóm Thuỷ sản đều có năng suất cao, cho ra lợi nhuận lớn. Việc nuôi trồng thuỷ sản góp phần tác động lớn đến nền kinh tế của một đất nước, giúp đất nước phát triển.
Các nhóm thủy sản bao gồm: Thủy sản bao gồm các loại động vật, thực vật dưới nước. Có thể liệt kê và phân loại các loài thủy sản phổ biến dựa trên từng đặc điểm, cấu tạo, môi trường sống và khí hậu được phân chia thành những nhóm riêng biệt như sau:
Nhóm cá (fish)
Là những động vật nuôi có đặc điểm cá rõ rệt, chúng có thể là cá nước mặn, ngọt hoặc cá nước lợ.
Ví dụ: cá tra, cá bống tượng, cá chình,…
Nhóm giáp xác (crustaceans)
Phổ biến nhất là nhóm giáp xác mười chân, trong đó tôm và cua là các đối tượng nuôi quan trọng đặc biệt là đối với nền kinh tế thủy sản Việt Nam.
Ví dụ: Tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ, tôm đất, cua biển…
Nhóm động vật thân mềm (Nhuyễn thể- Molluscs)
Gồm các loài có vỏ vôi, nhiều nhất là nhóm hai mảnh vỏ và đa số sống ở biển như nghêu, sò huyết, hàu,… và một số ít sống ở nước ngọt như trai ngọc, trai…
Nhóm rong (Seaweeds)
Là các loài thực vật bậc thấp, đơn bào, đa bào, có loài kích thước nhỏ, nhưng cũng có loài có kích thước lớn như Chlorella, Spirulina, Chaetoceros, Sargassum (Alginate), Gracilaria…
Nhóm bò sát (Reptiles) và lưỡng cư (Amphibians)
Bò sát là các động vật bốn chân có màng ối ví dụ như cá sấu. Lưỡng cư là những loài có thể sống cả trên cạn lẫn dưới nước chẳng hạn như ếch sẽ được nuôi để lấy thịt, lấy da dùng làm thực phẩm hoặc dùng trong lĩnh vực trang trí, thời trang.
Các sản phẩm từ thuỷ sản:
Các nhà máy chế biến, kinh doanh sản phẩm chế biến từ thuỷ sản phải phải đăng ký mã ngành chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản. Mã ngành nghề này đã được quy định tại quyết định 27/2018/QĐ-TTg do thủ tướng chính phủ ban hành.
Căn cứ pháp lý khi đăng ký kinh doanh mã ngành chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản
- Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14, ban hành ngày 17/06/2020
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ban hành ngày 04/01/2021
- Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT, ban hành ngày 16/03/2021
- Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg quy định danh mục mã ngành nghề kinh doanh, ban hành ngày 06/07/2018
Mã ngành 102 – 1020: Mã ngành nghề chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản
Nhóm này gồm:
– Chế biến và bảo quản cá, tôm, của và loài thân mềm; làm lạnh, sấy khô, hun khói, ướp muối, ngâm trong nước muối, đóng gói…
– Sản xuất các sản phẩm cá, tôm cua và các loài động vật thân mềm; cá nấu chín, cá khúc, cá rán, trứng cá muối, phụ phẩm trứng cá muối…
– Sản xuất các thức ăn cho người hoặc súc vật từ cá;
– Sản xuất các thức ăn từ cá và các động vật sống dưới nước khác không dùng cho người.
Nhóm này cũng gồm:
– Hoạt động của các tàu tham gia việc chế biến, bảo quản cá;
– Chế biến rong biển.
Loại trừ:
– Chế biến cá voi trên đất liền hoặc trên tàu chuyên dùng được phân vào nhóm 1010 (Chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt);
– Sản xuất dầu mỡ từ nguyên liệu thủy sản được phân vào nhóm 10401 (Sản xuất dầu, mỡ động vật);
– Sản xuất các món ăn chế biến sẵn từ thủy sản được phân vào nhóm 10752 (Sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn từ thủy sản);
– Sản xuất súp cá được phân vào nhóm 10790 (Sản xuất thực phẩm khác chưa được phân vào đâu).
Mã ngành 10201: Mã ngành nghề chế biến và bảo quản thủy sản đông lạnh:
Nhóm này gồm:
– Chế biến thực phẩm chủ yếu là thủy sản đông lạnh;
– Bảo quản thủy sản chủ yếu bằng phương pháp đông lạnh.
Mã ngành 10202: Mã ngành nghề chế biến và bảo quản thủy sản khô:
Nhóm này gồm:
– Chế biến thực phẩm chủ yếu là thủy sản khô;
– Bảo quản thủy sản chủ yếu bằng phương pháp sấy, hun khói, ướp muối và đóng hộp.
Mã ngành 10203: Mã ngành nghề chế biến và bảo quản nước mắm:
Nhóm này gồm: Chế biến và bảo quản mắm từ cá và các động vật sống dưới nước khác.
Mã ngành 10209: Mã ngành nghề chế biến và bảo quản các sản phẩm khác từ thủy sản
Nhóm này gồm: Các hoạt động chế biến và bảo quản các sản phẩm khác từ thủy sản chưa được phân vào đâu.
Mạnh Chí