Sau 1 năm thực hiện công tác nghiên cứu và ứng dụng xây dựng mô hình xử lý nước ô nhiễm trong ao nuôi tôm tại hai hợp tác xã Hòa Hiệp, huyện Phú Tân và HTX NTTS Cái Bát, huyện Cái Nước. Trung tâm Khoa học công nghệ và môi trường Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Cà Mau tổ chức buổi hội thảo nhân rộng mô hình xử lý đáy ao, nguồn nước bằng chế phẩm sinh học cho các HTX nuôi trồng thủy sản với hơn 40 đại biểu đại diện cho các HTX nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Cà Mau tới tham dự.
Quang cảnh buổi hội thảo
Tại buổi hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hòa – Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường đã chỉ ra các nguyên nhân gây ô nhiễm trong ao nuôi tôm, các biện pháp khắc phục, vai trò của vi sinh vật trong nuôi trồng thủy sản và phương pháp xử lý ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi tôm bằng bằng chế phẩm sinh học COSTE MT02. Chế phẩm sinh học COSTE MT02 là sản phẩm nghiên cứu khoa học của để tài: “Nghiên cứu chuyển giao quy trình công nghệ xử lý đáy ao nguồn nước bằng chế phẩm sinh học cho các HTX nuôi trồng thủy sản gắn với hỗ trợ 01 mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm” do KS. Nguyễn Ánh Tuyết làm chủ nhiệm đề tài. Chế phẩm có chứa các chủng vi sinh vật vừa có hoạt tính phân giải mạnh các hợp chất hữu cơ cao phân tử vừa có khả năng đối kháng với các vi sinh vật gây bệnh cho tôm.
Tại buổi hội thảo đã nhận được ý kiến chia sẻ của các nhà khoa học, đại diện các HTX, ông Nguyễn Hoàng Ân- Giám đốc HTX NTTS Cái Bát cho biết: hiện nay, ngành nuôi tôm đang phải đôi mặt với tình hình ô nhiễm hữu cơ rất cao, tình hình dịch bệnh trong nuôi tôm diễn ra ngày càng phức tạp, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh nàng càng nhiều dẫn đến ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của các thành viên trong HTX. Khi sử dụng chế phẩm sinh học COSTE MT02 đã vừa xử lý được vấn đề ô nhiễm hữu cơ trong ao, giảm mùi hôi thối tạo môi trường tốt cho con tôm sinh trưởng. Chính vì vậy, đã giúp hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Khi sử dụng chế phẩm COSTE MT02, nước ao có màu nâu nước trà, đây là màu nước đẹp nhất cho nuôi tôm siêu thâm canh.
Ông Lương Văn Sơn – Kỹ sư thủy sản, phụ trách kỹ thuật của HTX Hòa Hiệp cho biết: sử dụng chế phẩm COSTE MT02 cho hiệu quả cả về tạo màu nước và xử lý nhớt đáy ao. Chất lượng của chế phẩm tương đương với các sản phẩm nhập ngoại có bán trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Chi phí xử lý môi trường nuôi tôm nếu dùng sản phẩm COSTE MT02 chỉ bằng ½ so với khi sử dụng các sản phẩm nhập ngoại. Hợp tác xã mong muốn tiếp tục được sử dụng sản phẩm sau khi dự án kết thúc.
Các bước xử lý nước ao nuôi tôm được thực hiện như sau:
- Hoạt hóa: Lấy 100 lít nước sạch bổ sung 4 lít mật mía (rỉ đường) sau đó cho vào 500g chế phẩm vi sinh COSTE-MT02 sục khí liên tục trong 12-18 giờ.
- Xử lý ao trước khi xuống giống: Lấy mem đã nhân tạt khắp mặt nước ao với thể tích từ 1000m3 nước, thực hiện liên tục như vậy trong 3 ngày nhằm tạo màu nước (kích thích tảo silic phát triển, xử lý chất ô nhiễm, diệt các vi sinh vật gây bệnh…)
- Xử lý nước ao sau khi xuống giống:
+ Trong 30 ngày đầu thả tôm do lúc này tôm còn bé lượng thức ăn và chất thải ít sử dụng chế phẩm vi sinh với liều lượng 750g/1000m3 nước để xử lý ao nuôi, lặp lại 3 ngày/1 lần. Các bước xử lý chế phẩm vi sinh trước khi đưa xuống ao tương tự ở bước 4
+ Sau 30 ngày nuôi đầu tiên tôm đã lớn, bắt đầu quá trình lột xác và tăng trưởng mạnh về cả khối lượng và kích thước lướng chất thải nhiều và xiphong hàng ngày nên tăng liều lượng sử dụng chế phẩm vi sinh lên 500g/1000m3 nước, lặp lại 1 ngày/1 lần
Kết thúc buổi hội thảo, ông Đỗ Văn Sơn- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau khóa V, phát biểu bế mạc, cám ơn các đại biểu đã tham dự, thảo luận sôi để tìm hiểu, đánh giá về hai mô hình đã thực hiện tại địa phương; cám ơn Liên minh HTX Việt Nam đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến tại tỉnh Cà mau. Cuối cùng, ông bày tỏ sự cảm kích với nhóm nghiên cứu và mong muốn tiếp tục hợp tác với Trung tâm Khoa học công nghệ và môi trường và là cầu nối để đưa sản phẩm COSTE MT02 ứng dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Liên minh HTX tỉnh Cà Mau