HTX SX&DVNN An Hồng (Lạng Sơn): Xây dựng mô hình HTX chăn nuôi lợn an toàn sinh học kết hợp thu gom chất thải rắn sản xuất phân compost

Năm 2020, Trung tâm KHCN&MT (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn khảo sát và lựa chọn HTX Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp An Hồng làm điểm xây dựng mô hình HTX chăn nuôi lợn an toàn sinh học kết hợp thu gom chất thải rắn để ủ phân conpost giảm tải cho hệ thống hầm biogas và giảm phát thải ô nhiễm môi trường.

Để thực hiện mô hình, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường đã hỗ trợ chế phẩm vi sinh vật COSTE MT01, COSTE MT05 để xử lý mùi hôi và xử lý chất thải rắn làm phân hữu cơ nhằm giảm phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Trung tâm KHCN&MT đã hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư hai thiết bị lọc ép phân nhằm tách chất thải rắn lẫn trong nước ở bể gom và hầm biogas. Trong quá trình triển khai, Trung tâm KHCN&MT đã tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho các cán bộ của HTX về quy trình thực hành chăn nuôi tốt, hướng dẫn cách lập hồ sơ, ghi chép theo đúng quy định. Sau môt năm triển khai, đến nay, HTX sản xuất và dịch vụ Nông nghiệp An Hồng đã được Trung tâm Khảo, Kiểm nghiệm và Kiểm định Chăn nuôi – Cục Chăn nuôi tổ chức đánh giá và cấp giấy chứng nhận Vietgap mang mã số: Vietgap – CN-16-14-20-02.

Lắp đặt và vận hành thử thiết bị tại hợp tác xã An Hồng.

Sau khi thực hiện thành công mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức một buổi hội thảo nhằm giới thiệu và nhân rộng mô hình cho các thành viên của Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn. Trong buổi Hội thảo Th.S Vũ Thị Thuận đã giới thiệu các kiến thức cơ bản về quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho các đại biểu tham dự, hướng dẫn cách thức tổ chức chăn nuôi, hiệu quả mang lại khi áp dụng quy trình thực hành tốt chăn nuôi vào sản xuất tại HTX. Bên cạnh đó các đại biểu tham dự đại hội cũng được nghe giới thiệu và hướng dẫn các kỹ thuật xử lý mùi hôi cho chuồng trại chăn nuôi, xử lý, quản lý chất thải rắn hữu cơ làm phân bón bằng chế phẩm vi sinh, tác dụng của việc quản lý và xử lý tốt các nguồn thải trong quá trình sản xuất.

Quang cảnh buổi hội thảo

Đồng chí Hà Thành Trung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, trước đây người dân chỉ quen sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình hiệu quả chưa cao. HTX Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp An Hồng là một trong những đơn vị tiên phong trong tỉnh đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại. Mặc dù mới đi vào hoạt động hai năm, nhưng những kết quả mang lại rất đáng kể. Hợp tác xã từ khi ra đời đã tạo việc làm ổn định cho gần 20 thành viên với thu nhập trung bình khoảng 8-10 triệu đồng/tháng.

Bà Lưu Thu Hiền, Giám đốc HTX An Hồng cho biết: Thành công hôm nay là công sức, tâm huyết của tất cả các thành viên hợp tác xã. Năm 2020, với sự hỗ trợ của Trung tâm KHCN&MT, Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn đã giúp cho hợp tác xã sớm hoàn thiện được quy trình chăn nuôi an toàn sinh học phù hợp với quyết định 4653/QĐ-BNN-CN, giúp cho các cán bộ, nhân viên trong hợp tác xã hiểu và tổ chức thực hiện theo đúng phương pháp, đúng kỹ thuật. Nhờ đó, HTX đã được cấp chứng nhận Vietgap cho 1800 diện tích chăn nuôi với sản lượng dự kiến 220 tấn/năm.

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, bà Lưu Thu Hiền cho biết, để nối tiếp sự thành công từ mô hình này, HTX sẽ phát triển thêm cơ sở chăn nuôi mới với quy mô lớn gấp năm lần quy mô chăn nuôi hiện tại, với dự kiến chăn nuôi 1000 lợn nái và 1 vạn lợn thịt. Do vậy, HTX rất mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm KHCN&MT – Liên minh HTX Việt Nam.

Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường