Việt Nam, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, là nơi lý tưởng để phát triển cây thảo quả. Từ lâu, thảo quả không chỉ là nguyên liệu thực phẩm mà còn được sử dụng trong y học cổ truyền. Hiện nay, thảo quả đã trở thành một sản phẩm lâm sản giá trị, được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, khiến diện tích trồng loài cây này ngày càng mở rộng, đặc biệt ở các vùng núi phía Bắc như Sapa, Bát Xát (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Tuy nhiên, việc trồng và khai thác thảo quả tại nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa đạt hiệu quả kinh tế bền vững. Các phương thức canh tác, thu hoạch, chế biến truyền thống chưa đảm bảo chất lượng và năng suất, ảnh hưởng đến giá trị của sản phẩm. Thu hái không đúng cách, thu hái non dẫn đến năng suất, sản lượng giảm từ 20-30%, chất lượng chế biến thấp (quả nhỏ, tối màu, thời gian bảo quản ngắn) dẫn đến giảm 10-15% thu nhập. Các hình thức chế biến (sấy) thảo quả còn mang tính thủ công, bột phát, chủ yếu bà con vẫn sử dụng củi để sấy thảo quả. Cứ trung bình 1 tấn thảo quả cần sử dụng từ 5 – 7 m3 củi, quá trình sấy kéo dài và tốn nhiên liệu nên chi phí sấy thảo quả còn cao, chất lượng lại không đảm bảo, làm giảm giá trị của thảo quả.
Hình ảnh Quả thảo quả
Ngoài ra, người dân chủ yếu trồng theo phương thức quảng canh, việc gây trồng dưới tán rừng trồng, rừng tự nhiên không đúng kỹ thuật đã ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc và khả năng tái sinh của rừng tự nhiên. Làm diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng, khả năng phòng hộ của rừng suy giảm theo thời gian, cụ thể: Giảm đa dạng sinh học, mất thảm thực vật dưới tán rừng vì trong quá trình chăm sóc người dân không để lại cây tái sinh, chất lượng rừng ngày càng nghèo đi, nguy cơ mất rừng vì khả năng tái sinh không còn. Việc chặt gỗ, củi để sấy thảo quả cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới mất rừng.
Vì vậy phát triển thảo quả gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững vẫn đang là vấn đề cấp bách. Một số giải pháp được đưa ra là: Cần hỗ trợ thành lập nhóm nông dân hay HTX sản xuất kinh doanh thảo quả, khuyến khích các hộ dân liên kết trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức nhóm hộ hoặc HTX nhằm tăng cường khả năng đàm phán về giá; cải thiện quy trình trồng, chế biến sau thu hoạch; canh tác thảo quả theo hướng thâm canh, bền vững có kiểm soát; quản lý sản xuất kinh doanh thảo quả gắn với bảo vệ rừng bền vững.
Nhằm giải quyết những vấn đề này, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường đã được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phê duyệt thực hiện đề tài: Ứng dụng khoa học kỹ thuật, hoàn thiện quy trình chăm sóc, chế biến, bảo quản thảo quả đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và chuyển giao công nghệ sản xuất cho các HTX khu vực miền núi phía Bắc.
Mục tiêu chung của đề tài nhằm nâng cao năng lực công nghệ, trình độ sản xuất cho các HTX để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó, các mục tiêu cụ thể là đánh giá hiện trạng sản xuất và tiêu thụ thảo quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc; xây dựng và hoàn thiện quy trình chăm sóc, chế biến, bảo quản thảo quả đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; hỗ trợ, chuyển giao thành công quy trình công nghệ cho HTX.
Sau hai năm triển khai nghiên cứu, đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu và thu được các kết quả cụ thể như sau: đề tài đã đánh giá được hiện trạng trồng, bảo quan thảo quả tại một số tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái với 100 phiếu điều tra cho tổ chức và các hộ dân; đề tài đã đánh giá được hiện trạng quy trình trồng, chăm sóc thảo quả, hiện trạng công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản thải quả và chất lượng thảo quả tại một số tỉnh phía Bắc; đề tài đã đề xuất quy trình trồng, chăm sóc, sơ chế, chế biến thảo quả phù hợp với các HTX và thử nghiệm chuyển giao quy trình vào sản xuất tại 2 HTX tại tỉnh Lai Châu. Kết quả bước đầu đã cho thấy các tín hiệu khả quan và khích lệ sản xuất cho người sản xuất; qua đó, đề tài đã tổ chức 01 hội thảo phổ biến, nhân rộng mô hình và đề xuất một số giải pháp tuyên truyền, nhân rộng mô hình để phát triển thảo quả theo hướng bền vững.
Hỗ trợ phân bón hữu cơ cho các HTX
Vào ngày 16/12/2024, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tổ chức hội đồng đánh giá và nghiệm thu đề tài cấp cơ sở năm 2024. Hội đồng khoa học gồm 7/7 thành viên có mặt do TS Nguyễn Thị Hòa là chủ tịch hội đồng.
Hình ảnh Họp Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở
Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện đề tài, Hội đồng tiến hành lấy ý kiến đánh giá, góp ý của từng thành viên trong hội đồng. Các thành viên trong hội đồng đánh giá cao các giá trị khoa học cũng như giá trị kinh tế, xã hội và môi trường của đề tài. Thảo quả là cây dược liệu, gia vị có giá trị kinh tế cao, thích hợp dưới tán rừng. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật để phát triển cây thảo quả ở khu vực miền núi phía Bắc vừa phát triển thảo quả dưới tán rừng, kết hợp với bảo vệ rừng, không chỉ giúp tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc mà còn góp phần ổn định an ninh trật tự tại các vùng biên giới.
Có thể nói, đây là một đề tài có tính cấp thiết và ứng dụng cao đối với thực tế sản xuất và bảo vệ rừng hiện nay của khu vực miền núi phía Bắc hiện nay. Đề tài không chỉ giải quyết được được bài toán xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng những loại cây trồng quen thuộc, phù hợp với văn hoá, tập quán canh tác của đồng bào mà còn góp phần vào sự nghiệp ổn định tình hình an ninh, trật tự vùng biên giới của nước nhà.