Xây dựng trường phái ‘ngoại giao cây tre Việt Nam’

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lấy hình ảnh cây tre, để định hướng cho trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo của đất nước Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Ngày 14/12, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra tại Hội trường Diên Hồng. Chủ trì là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ, ban, ngành, địa phương.

Đây là hội nghị đối ngoại đầu tiên trong lịch sử, do Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trì. Nội dung chính là đánh giá toàn diện những thành tựu của công tác đối ngoại trong 35 năm đổi mới, và nhìn lại những bài học kinh nghiệm, nhận diện rõ hơn những vấn đề trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có tiền lệ. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song các nhân tố bất ổn ngày càng gia tăng. Đặc biệt, trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề trên mọi mặt của đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia.

“Trong tổng thể các thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của đối ngoại và hội nhập quốc tế. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai, đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện”, Phó Thủ tướng nói.

Trên cơ sở nâng quy mô nền kinh tế lên gần 400 tỷ USD, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị tiếp tục nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc.

Sau ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Hội nghị được nghe tham luận của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. HCM, Bí thư Tỉnh ủy Đà Nẵng, và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển cũng phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này quan hệ biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay.

“Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư cho rằng, Việt Nam có trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh. Ông gọi đó là trường phái “ngoại giao cây tre Việt Nam”, và bày tỏ: “Cây tre Việt Nam gốc vững chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Không có cơn gió nào quật ngã được”.

Nhằm phát huy hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, Tổng Bí thư nêu 6 vấn đề cần làm. Một là, nắm chắc tình hình để kịp đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại. Hai là, quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Ba là, phát huy mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình các cơ chế đa phương.

Bốn là, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh – quốc phòng. Năm là, chú trọng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng. Sáu là, tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế.

Nguồn: Nongnghiep.vn