Phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị tăng lợi ích kinh tế cho các hợp tác xã

Sáng ngày 29/10, đoàn công tác Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về thực hiện mục tiêu phát triển ngành dược liệu để tỉnh Bắc Kạn trở thành trung tâm sản xuất về chế biến dược liệu của vùng Đông Bắc và một số nội dung về phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã (HTX).

Phát triển hệ thống cung ứng giống cây dược liệu

Tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết tỉnh Bắc Kạn là một tỉnh miền núi vùng cao, với địa hình phức tạp, đa dạng với khoang 72,9% rừng che phủ, Bắc Kạn có nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú, với hơn 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: Bình Vôi, Hà Thủ Ô, Ba kích, Cát Sâm,… Nguồn tài nguyên này, nếu được bảo vệ, khai thác và phát triển hợp lý, có thể mang lại nguồn lợi đáng kể cho công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tại buổi làm việc

Bà Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, xuất phát từ thực tiễn và điều kiện tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn phù hợp phát triển cây dược liệu. Trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm chỉ đạo bảo tồn và phát triển cây dược liệu. UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 2362/QĐ-UBND ngày 25/12/2020, với các mục tiêu cụ thể như phát triển hệ thống các chủ thể phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị, bao gồm các hộ gia đình trồng dược liệu, 16 tổ chức kinh tế tại cộng đồng, dưới dạng HTX và công ty cổ phần, 3 doanh nghiệp chủ chốt, các nhà hỗ trợ chuỗi và các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm sản xuất, tiêu thụ hết các sản phẩm sản xuất được. Phát triển hệ thống cung ứng giống cây dược liệu, đến năm 2025 cung ứng được 60% và đến năm 2035 là 80% giống dược liệu sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao. Khai thác bền vững một số loài cây được liệu tự nhiên ở các địa phương với sản lượng khoảng 32 tấn dược liệu khô/năm; phát triển trồng cây dược liệu, trong đó trồng 26 loài dược liệu tại 4 tiểu vùng của tỉnh Bắc Kạn, với diện tích đến năm 2025 là 545 ha, trong đó 345 ha cây dược liệu theo hình thức thâm canh và 200 ha trồng dưới tán rừng, tạo ra 1.500 tấn dược liệu khô; nghiên cứu phát triển tạo ra các sản phẩm.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn

Mong muốn hỗ trợ xây dựng chuỗi dược liệu hoàn chỉnh

Cũng tại buổi làm việc, đánh giá về thực trạng bảo tồn và phát triển dược liệu trong tỉnh Bắc Kạn, PGS. TS Trần Văn Ơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Dược Khoa nhấn mạnh điểm mạnh trong bảo tồn và phát triển dược liệu tại Bắc Kạn do tồn tại cả hai vùng sinh thái là vùng cao, thích hợp cho các dược liệu có thể phát triển tốt ở đai á nhiệt đới như ở Pác Nặm, Ngân Sơn, Chợ Đồn và vùng thấp thích hợp cho việc phát triển các cây thuốc nhiệt đới như Chợ Mối, Bạch Thông, Na Rì… Bên cạnh đó, có diện tích rừng che phủ lớn, trong đó có nhiều dược liệu tự nhiên. Đã có một diện tích khá lớn cây thuốc được phát triển trong cộng đồng (như Quế, Hồi, Nghệ, Thạch đen…) Có chương trình OCOP với định hướng phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, trong đó có các sản phẩm từ dược liệu.

PGS. TS Trần Văn Ơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Dược Khoa

“Mong muốn hỗ trợ xây dựng chuỗi dược liệu hoàn chỉnh với quy mô vừa và 3 cấp độ quốc dược-tỉnh dược-cộng đồng, và người hưởng lợi chính là bà con nông dân, đồng thời có thể tận dụng tiềm năng lợi thế dưới tán rừng. Điều này là không chỉ là mục tiêu phát triển thông thường nữa, đó còn là mục đích an sinh xã hội của tỉnh Bắc Kạn” bà Đỗ Thị Minh Hoa đề nghị.

Đồng thời, đoàn công tác UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ về khoa học công nghệ, tư vấn hỗ trợ đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn sản phẩm, công tác tư vấn đào tạo, củng cố hệ thống HTX đặc biệt là lĩnh vực dược liệu, thông tin truyền thông, xúc tiến thương mại.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ quan điểm với mục tiêu thúc đẩy phát triển khu vực KTTT, HTX tỉnh Bắc Kạn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhất trí với những đề xuất mà đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn đưa ra. Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và tỉnh Bắc Kạn sẽ cùng nhau xây dựng những kế hoạch cụ thể phát triển mô hình hợp tác xã dược liệu theo mô hình chuỗi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Quang Trung – Quỳnh Trang
Ảnh: Lê Huy
Nguồn: VCA