Lợi thế Nông nghiệp phải trở thành động lực nền kinh tế, sức mạnh quốc gia

“Lợi thế nông nghiệp của đất nước đã đóng tốt vai trò trụ đỡ làm nền tảng nền kinh tế xã hội hiện nay nhưng trong tương lai có thể trở thành động lực cốt lõi, là sức mạnh quốc gia”, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn.

Phân tích vai trò, tầm nhìn chiến lược ngành nông nghiệp, TS Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN-PTNT rất tâm đắc với vấn đề thay đổi tư duy.

Nhìn lại 76 năm truyền thống ngành NN-PTNT Việt Nam (14/11/1945 – 14/11/2021), ông Sơn cho rằng, thay đổi tư duy chính là nhân tố quyết định để NN-PTNT trở thành một trong những lĩnh vực thành công nhất, thắng lợi nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Năm 1945, thời điểm đất nước mới giành được độc lập, hàng triệu người chết vì nạn đói, phần lớn dân cư mù chữ, thế mà chỉ trong một thời gian rất ngắn sản xuất nông nghiệp phát triển đã chống được giặc đói, nông dân hăng hái xóa được giặc dốt và góp phần quyết định dựng nên và bảo vệ chính quyền non trẻ trên toàn quốc. Có thể nói nông nghiệp, nông dân, nông thôn lúc đó là sức mạnh chính của Việt Nam.

Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, nông nghiệp đóng góp, tài chính, nông dân xây dựng quân đội, nông thôn là căn cứ địa kháng chiến rộng khắp. Điều kỳ diệu là thời điểm đó chưa có kinh tế kế hoạch, chưa có hợp tác xã, hỗ trợ quốc tế chủ yếu là vũ khí nhưng suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã đảm bảo đủ “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, mỗi thôn làng là pháo đài chống giặc.

Khi chiến thắng quân Pháp, sản xuất nông nghiệp nhanh chóng phục hồi, năng suất lúa ở miền Bắc năm 1956 vào loại cao nhất Đông Nam Á. Năm 1954-1960, nông nghiệp, nông dân nông thôn là nền tảng của công nghiệp hóa, vừa chuyển tài nguyên ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp để giữ gìn sự ổn định, vừa vượt qua thiên tai, vượt qua bom đạn để sản xuất, tiếp tục đóng góp sức người sức của cho chiến trường.

Vượt qua những khó khăn, hạn chế của kinh tế hợp tác, của cơ chế quan liêu kế hoạch hóa, ngay từ thập kỷ 1960 đã nhen nhóm xuất hiện những tấm gương sáng tạo, dũng cảm xé rào thực hiện khóan để chuẩn bị giải pháp đổi mới kinh tế. Những bài học quí báu đó đã trở thành giải pháp kịp thời mở ra cánh cửa cứu đất nước khi bị dồn vào chân tường khủng hoảng đầu những năm 1980, cho phép Đảng đưa ra quyết sách về Chỉ thị 100 và Khoán 10.

Công cuộc Đổi mới kinh tế đã mở đường phát triển sản xuất nông nghiệp giúp Việt Nam từ quốc gia thiếu ăn, mỗi năm nhận hàng triệu tấn lương thực viện trợ trở thành nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản… có uy tín trên thế giới. Nông thôn Việt Nam tiếp tục là địa bàn quan trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ quốc phòng cung cấp tài nguyên cho nền kinh tế. Sức lao động của người nông dân bắt đầu chảy mạnh sang các lĩnh vực phi nông nghiệp trở thành động lực chiến lược cho quá trình công nghiệp hóa.

Cùng với sự phát triển trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tam nông trở thành nền tảng vững chắc để bảo vệ đất nước mỗi lúc gặp khó khăn. Từ khủng hoảng phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô, khủng hoảng kinh tế Đông Nam Á, khủng hoảng tài chính thế giới hay đại dịch Covid-19 hiện nay, an ninh lương thực luôn được đảm bảo, cán cân thương mại xuất nhập khẩu được cân bằng, không bị lạm phát, lao động thất nghiệp quay về nông thôn vẫn có việc làm…

Năm 2008, Đảng đã ra Nghị quyết 26-NQ/TW đem lại một sự thay đổi quan trọng trong nhận thức và tư duy của toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân về tầm quan trọng, vai trò chiến lược của nông nghiệp nông dân nông thôn. Tiếp theo đó là Chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp, Xây dựng nông thôn mới, cùng các trương trình Xóa đói, giảm nghèo, phát triển miền núi và vùng đồng bào dân tộc đưa công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam lên một bước phát triển mới.

Đổi mới tư duy về vai trò quan trọng, về giải pháp phát triển tam nông là cả một quá trình sáng tạo không ngừng. Từ phát huy quyền làm chủ chính quyền cho người dân thoát khỏi chế độ cũ, khoan sức cho dân trong chế độ mới, đến tổ chức chiến tranh nhân dân, xây dựng mặt trận đoàn kết trong kháng chiến. Cách thức tập thể hóa sản xuất nông nghiệp, rồi trao quyền làm chủ sản xuất, kinh doanh cho dân trong đổi mới, tổ chức sản xuất lớn, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn công nghiệp hóa, …

Câu chuyện nông nghiệp còn đi rất xa khi đã phát huy sức mạnh mềm như góp phần bảo vệ an ninh lương thực cho thế giới. Sản xuất lúa gạo lúc đó đã không còn đơn thuần là hiệu quả kinh tế bởi mỗi khi tình hình thế giới căng thẳng các nước vẫn nhìn về lúa gạo Việt Nam. Thủ tướng nhiều nước vẫn viết thư gửi Thủ tướng chúng ta đề nghị tiếp tục duy trì xuất khẩu lúa gạo là một minh chứng sức mạnh mềm trong nông nghiệp.

Và cho đến bây giờ là nền nông nghiệp, là lĩnh vực nông thôn, là giai cấp nông dân  khi đi vào cơ chế thị trường không chỉ có lo toan đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, cung cấp tài nguyên cho nên kinh tế mà còn ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc… Không những thế, với vai trò lợi thế nổi bật của đất nước trong thế giới toàn cầu hóa, lĩnh vực tam nông còn phải đạt vị thế cạnh tranh mạnh và tạo ra giá trị gia tăng cao, phát triển vững bền đưa đất nước vươn lên.

Chúng ta nói nhiều về vai trò trụ đỡ, nền tảng và sự thay đổi tư duy trong nông nghiệp, vậy theo ông, những điểm chính của tư duy mới trong nông nghiệp hiện nay là gì?

Chúng ta đang đứng trước những thay đổi rất lớn trong và ngoài nước nên cũng đang có nhiều tư duy rất mới trong nông nghiệp như nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, tuần hoàn,…; nông dân thông minh, chuyên nghiệp, khởi nghiệp…; nông thôn hiện đại, số hóa, xanh, truyền thống,… Cuộc sống thay đổi càng ngày càng nhanh, các vấn đề mới ngày càng xuất hiện nhiều và liên tục thay đổi. Theo tôi có thể nói về mấy điểm cốt lõi trong tư duy nông nghiệp là liên kết, bền vững và trách nhiệm.

Về tư duy liên kết, tổng hợp trong nông nghiệp. Trước đây, khi nói đến nông nghiệp là nghĩ về một ngành sản xuất kinh tế trong đó chia ra nhiều công đoạn, nhiều địa bàn… cùng lắm khi nói về liên kết cũng chỉ có liên kết các nhà. Còn bây giờ liên kết, tổng hợp trong nông nghiệp phải theo chuỗi cả đầu vào, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, logistics…, trong cả hệ sinh thái, gắn lĩnh vực nông nghiệp với các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, cả trong và ngoài nước…

Cách đặt vấn đề như thế đã tạo ra những khái niệm liên ngành, liên vùng và liên kết trong khâu tổ chức. Hộ sản xuất kinh doanh nhỏ nếu có hợp tác xã có thể liên kết được với doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệp hội có thể gắn với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn nếu có liên kết với chuỗi toàn cầu có thể liên kết với các doanh nghiệp đa quốc gia… Toàn bộ hệ thống của các tác nhân khác nhau trong xã hội liên kết với nhau thành khái niệm kinh tế nông nghiệp.

Tư duy thứ hai là tính bền vững. Tôi từng nghe Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đại ý rằng điểm nghẽn trong nông nghiệp hiện nay là người nông dân còn tư duy “mùa vụ”, doanh nghiệp còn tư duy “thương vụ” còn các cấp chính quyền là tư duy “nhiệm kỳ”. Tức là mỗi người chỉ biết đến khoảng không gian, thời gian ngắn ngủi đó để đem lại lợi ích cho mình mà không tính đến tương lai, không tính đến gắn kết. Đó chắc chắn không thể là tư duy của chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

Vững bền là dài hạn, những gì chúng ta tiêu dùng cho ngày hôm nay thì cũng phải tính đến để dành cho con cháu trong tương lai. Năng lượng, tài nguyên khoáng sản, không gian, cảnh quan thiên nhiên môi trường… Chúng ta không thể phá hết núi đá vôi, đào hết cát sông, phá những cảnh quan thiên nhiên để lấy vật liệu xây dựng, không thể đánh bắt khai thác tận diệt từ rừng xuống biển, không thể vét hết than, nước ngầm, hút hết dầu… như đã từng làm. Phát triển ngày hôm nay không thể không tính đến tương lai. Tư duy của chúng ta phải thay đổi để tính đến yếu tố vững bền, cả về môi trường tự nhiên cả về xã hội.

Có thể chúng ta đang ở thời kỳ dồi dào về lao động và cạnh tranh bằng lao động giá rẻ để thu hút FDI. Vấn đề ở đây là FDI sử dụng nhiều lao động giá rẻ là FDI bẩn, tiêu tốn nhiều tài nguyên, hàm lượng công nghệ rất thấp… Chúng ta đổi lợi ích tăng trưởng trước mắt lấy tổn thất về môi trường, lấy năng suất lao động thấp. Một khi dân tộc già đi, khi cánh cửa vàng dân số đóng lại trong khoảng 20 tới thì hậu quả con cháu chúng ta phải chịu. Già đi khi chưa kịp giàu lên sẽ không có gì để dành và không có tương lai.

Bản thân nông nghiệp, nông thôn cũng rất mềm dẻo trong vấn đề chống cự dịch bệnh, thiên tai, địch họa, khủng hoảng kinh tế…Trong các đợt khủng hoảng như dịch bệnh Covid-19 nếu không có nông thôn để rút lao động về tá túc, không có nông nghiệp để sản xuất lương thực thực phẩm, giữ CPI ở mức thấp, chống lạm phát, duy trì cán cân xuất khẩu để đảm bảo giá trị của đồng tiền Việt Nam thì kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ không ổn chứ chưa nói đến vấn đề lòng dân. Nông nghiệp như tấm áo giáp, nông thôn như pháo đài đối với đất nước những lúc khó khăn.

Một vấn đề cũng gắn với vững bền là tư duy nông nghiệp trách nhiệm. Sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản phải xanh, nhân đạo và ổn định. Trên thế giới hôm nay, khi thu nhập tăng lên thì người tiêu dùng đã không còn bận tâm vấn đề ăn no, thậm chí không là ăn ngon nữa mà là ăn bổ, ăn có giá trị. Sản phẩm phải được tích hợp đa giá trị, không chỉ vấn đề dinh dưỡng mà còn văn hóa, môi trường… Thị trường mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng. Ngược lại, thị trường cũng đòi hỏi khách hàng có trách nhiệm với người sản xuất. Họ phải được đối xử tử tế trong an toàn lao động, trong môi trường sống, trong chính sách xã hội.

Thị trường như thế đòi hỏi chúng ta phải thay đổi, nhất là khi chúng ta đã ký các hiệp định thương mại, chấp nhận cuộc chơi ở những thị trường khó tính nhất. Tất cả đều phải thay đổi để chuyển thành tư duy mới thứ ba là nền nông nghiệp có trách nhiệm.

Trách nhiệm trước hết là với người tiêu dùng, thứ hai là với người sản xuất, thứ ba là trách nhiệm với môi trường với xã hội. Ở đây không phải ai bắt buộc ai mà cùng nhau vì những giá trị cao hơn. Sản xuất lúc này cũng không còn tập trung đơn thuần vào quy mô, sản lượng, năng suất mà là câu chuyện giá trị, thu nhập, phúc lợi cho tất cả các bên. Tôi cho rằng đây là điểm cực kỳ cao trong tư duy nông nghiệp mới.

Thưa ông, để có thể thay đổi tư duy, đáp ứng được những mục tiêu, định hướng thị trường như ông vừa phân tích, chắc chắn đòi hỏi quốc gia nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng có những chiến lược tầm cỡ và dài hạn. Theo ông, vai trò, tầm vóc của nông nghiệp trong tương lai sẽ thế nào?

Chắc chắn chúng ta cần chiến lược định hướng, trong đó phải làm rõ nông nghiệp đóng vai trò như thế nào trong phát triển quốc gia. Ví dụ, chúng ta lấy cột mốc năm 2030 sẽ trở thành nước có thu nhập khá và năm 2045 sẽ vươn lên nước giàu, vậy thì cần phải biết nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tương lai sẽ trông như thế nào? Đặt câu hỏi để quay trở lại vấn đề hôm nay chúng ta cần phải làm gì.

Có một cách suy nghĩ rất phổ biến của nhiều người trên thế giới hiện nay rằng, kinh tế trong tương lai thuộc về công nghiệp. Nông nghiệp trong tương lai nhỏ lắm, chỉ chiếm khoảng 5-7% GDP, dân số nông thôn chỉ chiếm khoảng 5% và chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực, cung cấp lương thực thực phẩm, duy trì văn hóa, môi trường…

Cách nghĩ của tôi thì khác. Chúng ta đã bước vào cuộc chơi của cơ chế thị trường thì bản chất phải xác định như Giáo sư Michael Eugene Porter ở Đại học Harvard đã nói, mấu chốt là lợi thế. Một cá nhân, một doanh nghiệp, một địa phương hay một quốc gia cũng vậy, phải biết được lợi thế của mình là gì. Đặc biệt ở tầm quốc gia, nếu nhìn nhận sai về lợi thế nghĩa là thất bại, phải biết lợi thế của mình để đứng trên lợi thế đó mà phát triển.

Cũng chính Michael Eugene Porter khi đến Việt Nam đã khẳng định lợi thế của chúng ta là nông nghiệp và lao động. Với tư duy này thì trước hết phải đặt vấn đề dựa trên lợi thế của quốc gia, lợi thế so sánh của từng vùng miền để có có cái nhìn tổng hợp. Nếu xác định lợi thế của Việt Nam là nông nghiệp thì phải xác định thật rõ để nông nghiệp Việt Nam không còn là nền nông nghiệp hi sinh, phục vụ công nghiệp, dịch vụ một cách thuần túy nữa. Ngược lại, trong một giai đoạn nhất định, ở những vùng nhất định mà nông nghiệp có lợi thế thì những ngành khác phải phục vụ nó, phát huy vai trò của nó và lấy nó để phát triển mình.

Ví dụ, Đồng bằng sông Cửu Long là bờ xôi ruộng mật, là vựa lúa của cả thế giới thì không thể như giai đoạn trước đây, không thể đổ đất cát xuống lấp phù sa màu mỡ, lấp hệ thống thủy lợi để rồi mọc lên những khu công nghiệp chưa bao giờ được lấp đầy. Đồng bằng sông Cửu Long phải phát triển mạnh lúa, thủy sản, trái cây và công nghiệp, dịch vụ ở đó phải phục vụ cho nông nghiệp. Công nghiệp phải là chế biến, công nghiệp sản xuất vật tư đầu vào, máy móc nông nghiệp, làm được thế thì cả nông nghiệp lẫn công nghiệp, du lịch đều có thể tăng giá trị.

Tây Nguyên phải phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi lớn, phát triển rừng và công nghiệp ở Tây Nguyên cũng phải là cung cấp đầu vào, đầu ra cho nông nghiệp, dịch vụ, logistics, phải phục vụ vận chuyển sản phẩm nông nghiệp.

Duyên hải miền Trung phải phát triển kinh tế biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản rồi năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp, dịch vụ cũng chung sức phục vụ những ngành hàng đó…

Chúng ta muốn chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì phải đa dạng sản phẩm, đa giá trị, đa chức năng để từ đó có thể liên kết, tổng hợp thành kinh tế nông nghiệp.

Thực tiễn cũng chứng minh, Đồng bằng sông Cửu Long có thể địch nổi lợi thế đồng bằng với mọi khu vực Đông Nam Á, Tây Nguyên đủ sức cạnh tranh cây công nghiệp với nhiều vùng ở Nam Mỹ và toàn bộ dải duyên hải miền Trung là vùng kinh tế biển mà nhiều nước thèm khát… Đó hoàn toàn là những cơ sở để nền nông nghiệp của chúng ta có thể trở nên hùng cường.

Vai trò của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai không chỉ là nền tảng, trụ đỡ như những năm qua mà phải là động lực, cốt lõi của nền kinh tế, đóng vai trò thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ để trở thành lợi thế và sức mạnh của đất nước.

Sức mạnh của chúng ta là thiên nhiên nhiệt đới tuyệt vời, sức mạnh của chúng ta là trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt vẫn có những vùng sản xuất ngon lành, vẫn có nguồn nước mà ít có quốc gia nào trên thế giới có được. Trên tất cả là sức mạnh của con người nông dân và doanh nhân Việt Nam.

Lợi thế đó chúng ta phải nắm lấy ngay bởi vì đất chúng ta còn rất ít, phải sản xuất nông nghiệp vào chiều sâu, nâng giá trị lên càng nhanh càng tốt. Phải nắm lấy ngay bởi lao động chúng ta rồi sẽ già đi, cần  phải phát huy sức mạnh càng nhanh càng tốt, chuyển sức lao động thành trí tuệ càng nhanh càng tốt.

Chúng ta phải biến 95% sản phẩm nông sản thô hiện nay thành chế biến sâu. Biến phế phụ phẩm trong nông nghiệp thành thuốc, thành thực phẩm chức năng, nguyên liệu may mặc, nguyên liệu thủ công mỹ nghệ… Chúng ta có thể  trở thành quốc gia bán máy móc nông nghiệp, máy chế biến nông sản, bán vật tư… Người Việt Nam đi xuất khẩu lao động phải là người làm vườn, người đánh cá, người chăm sóc vật nuôi cây cảnh, nhân giống ghép cành, người nấu bếp…

Trong tương lai xa hơn, Việt Nam phải là cường quốc về kinh tế sinh học. Hiện nay ở Châu Âu đang phát triển kinh tế sinh học. Họ sản xuất tất cả các sản phẩm từ nuôi trồng sau đó phân rã thành phân tử, nano, tế bào rồi mới tổ hợp lại thành những sản phẩm mới. Dựa trên xu thế đó, nền kinh tế chúng ta có thể không sản xuất đơn thuần nữa mà đi vào các dịch vụ chữa bệnh, nấu ăn, làm thuốc… Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đi con đường kinh tế như thế thì không phải cạnh tranh ngang với bất cứ quốc gia nào. Còn nếu chúng ta chỉ nhăm nhăm con đường công nghiệp thì khó khăn để thoát khỏi mô hình gia công giá trị thấp.

Trong 20 đến 30 năm tới, hàng chục triệu người sẽ dịch chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, chuyển dịch từ nông thôn về đô thị… Đó là sự thay đổi vĩ đại và bài toán là làm nào để làm chủ quá trình chuyển đổi đó?

Tôi nghĩ rằng không một ai, không một quốc gia nào, không một lực lượng doanh nghiệp nào đủ mạnh để đủ sức tạo dựng quá trình dịch chuyển đó. Vì vậy phải có chiến lược để trao quyền làm chủ quá trình đó cho chính người nông dân. Họ phải là chủ quá trình lột xác xã hội, thay đổi sinh kế, địa bàn sinh sống, thay đổi ngành nghề… Muốn như thế phải thay đổi cách quản lý, tổ chức, dịch vụ hỗ trợ đầu tư công để biến người dân thực sự trở thành chủ thể. Có như thế chúng ta mới có được nông thôn thực sự hiện đại hóa, nông dân thực sự khỏe mạnh, tài ba, có trí tuệ, năng lực và tố chất, tác phong công nghiệp.

Và phải có chính sách thưa ông? Trong lịch sử chúng ta đã có, với bối cảnh hiện nay nên chăng cũng cần những chính sách như thế để tạo sự đột phá?

Chắc chắn phải có chiến lược đột phá. Thứ nhất xung quanh tất cả mọi người đều thay đổi, sau Covid-19 thì toàn thế giới đang sắp xếp lại chuỗi sản xuất của mình. Thứ hai, những cột mốc, mục tiêu mà chúng ta đặt ra trong bối cảnh tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu đến nông nghiệp cũng đòi hỏi chúng ta không thể không thay đổi chính sách.

Trên thế giới không ai muốn phụ thuộc nước ngoài nặng nề, không ai muốn bị đứt gãy và tôi tự hỏi khi họ sắp xếp lại như thế thì vai trò, vị trí của Việt Nam ở chỗ nào?

Nếu chúng ta vẫn theo cách cũ thì chắc chắn khó có sân chơi cho mình. Kể cả những thị trường như Trung Quốc cũng đã thay đổi rất nhiều, cũng đòi hỏi phải có xuất xứ, số hóa vùng trồng… Các nước khác họ đã thay đổi để đáp ứng điều đó nhưng tôi có cảm giác chúng ta chưa đủ sẵn sàng. Chúng ta cũng đã ký nhiều hiệp định thương mại với các thị trường khó tính nhưng lại chưa chuẩn bị nhiều về vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị cho thị trường tương lai.

Tóm lại, thị trường đang đòi hỏi chúng ta phải thay đổi, phải xây dựng các vùng nguyên liệu hẳn hoi, chuẩn chỉ, xây dựng hạ tầng để đáp ứng, đảm bảo thông thương, ít nhất là hàng nông sản, chuẩn bị giải pháp kỹ thuật để bảo quản nông sản… Có như thế mới không bị bỏ lại phía sau.

Hiện tại Bộ NN-PTNT đang gấp rút xây dựng “Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trình Chính phủ. Tôi nghĩ rằng, chiến lược lần này cũng phải mang tinh thần như Khoán 10, như Chỉ thị 100 mà chúng ta đã từng làm thành công. Sức đột phá không đến từ tiền Nhà nước rót mà đến từ tín hiệu đèn xanh cho người dân vào những lãnh địa từng cấm cản, bỏ phá những hàng rào từng ngăn chặn, đốt lên ngọn lửa trước đây bị dội nước vào… Nói cách khác là cần có chính sách để phá rào, thay đổi thể chế để tạo động lực, để đột phá tạo ra cửa mở như chúng ta đã từng làm rất sáng tạo.

Hoàng Anh
Trọng Toàn
Tùng Đinh
Nguồn: nongnghiep.vn