Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Nghiên cứu khoa học là dấn thân

Nghiên cứu khoa học là hoạt động dấn thân, thám hiểm vào các vấn đề, lĩnh vực mới, một hướng nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp có giá trị, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt.

Chiều 31/10, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, bản chất nghiên cứu khoa học là tính mới, tính rủi ro và có độ trễ. Các nghiên cứu được triển khai trong nhiều giai đoạn, nhiều kết quả nghiên cứu thành công vẫn cần tiếp tục được đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực xã hội để phát huy trong thực tế.

Thời gian qua, khoa học công nghệ đã đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội qua một số chỉ tiêu. Đó là chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân; tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII); số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam; cơ cấu đầu tư cho khoa học công nghệ từ ngân sách và doanh nghiệp; số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích của người nộp đơn có quốc tịch Việt Nam.

“Giai đoạn 2016-2020, các chỉ tiêu này đều có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước đó”, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho hay.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình tại Quốc hội, chiều 31/10. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình tại Quốc hội, chiều 31/10. Ảnh: Hoàng Phong

Xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo

Từ năm 2013 đến nay, Bộ đã xây dựng và công bố sách trắng hằng năm. Cách đây vài ngày, sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021 đã được chuyển qua thư viện Quốc hội để gửi tới đại biểu. Bộ đang phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và tổ chức đánh giá thử nghiệm tại một số nơi, nhằm đo lường năng lực và kết quả.

Bộ chỉ số này đồng bộ với chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam. Từ đó, đánh giá được tác động giữa hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với phát triển kinh tế – xã hội ở từng vùng, miền.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã hình thành hệ thống chỉ tiêu thống kê, phản ánh tình hình và kết quả hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu của đất nước. Đây là cơ sở đánh giá, dự báo, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ từng thời kỳ.

Dù vậy, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thừa nhận, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều kết quả từ các nhiệm vụ sử dụng ngân sách còn chậm được ứng dụng trong thực tiễn do vướng mắc về quản lý tài sản công… Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tổ chức và thực hiện các giải pháp để giải quyết những tồn tại này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu giải trình tại Quốc hội, chiều 31/10. Video: Truyền hình Quốc hội

Bỏ quy định cứng nhắc liên quan Quỹ phát triển khoa học công nghệ

Bộ trưởng Đạt cho biết, khoảng 10 năm trước, kinh phí hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách (70-80%). Đến nay, đầu tư cho khoa học công nghệ từ ngân sách và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ 52 và 48%. Đến năm 2030, tỷ trọng này được kỳ vọng đạt 30/70 như các nước tiên tiến.

Về Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, theo số liệu của Tổng cục Thuế, giai đoạn 2015-2021, có gần 1.300 lượt doanh nghiệp trích lập quỹ, với số tiền hơn 23.000 tỷ đồng, trong đó số sử dụng 14.000 tỷ đồng (chiếm 60%).

Tuy vậy, việc trích lập và sử dụng quỹ có vướng mắc, như tỷ lệ trích lập chưa phù hợp với cơ cấu và quy mô của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không có doanh nghiệp FDI nào trích lập quỹ, cho thấy cơ chế khuyến khích trích lập và sử dụng chưa đủ hấp dẫn.

Quy định hiện nay không cho phép sử dụng quỹ để mua sắm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các quy định về quản lý quỹ cũng không phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Ngoài ra, thủ tục hành chính trong kiểm soát chi của quỹ chưa linh động và chưa phù hợp với đặc thù; thủ tục mua sắm phục vụ nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện theo dự án đầu tư, chưa phù hợp với đặc thù tính mới, hiếm, kịp thời, rủi ro cao của hoạt động này.

Để tháo gỡ một phần khó khăn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành thông tư năm 2022 hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Thông tư đã bãi bỏ các quy định cứng nhắc, không đúng với tinh thần tôn trọng vai trò tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn từ quỹ.

Nhằm khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ nghiên cứu sửa đổi các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; nghị định 95 về cơ chế tài chính và đầu tư cho khoa học công nghệ. Đồng thời, Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội về cơ chế đặc thù trong mua sắm, đầu tư từ nguồn của quỹ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Nguồn: vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *