Sau một tuần triển khai Chương trình 503/CTr-LMHTXVN về chương trình kết nối cung – cầu tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT), Chương trình này đã đạt kết quả cao với sự kết nối giữa bên cung là các HTX, THT và bên cầu là các bên mua. Hàng trăm tấn nông sản được kết nối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Phóng viên Cổng Thông tin điện tử VCA đã có buổi trao đổi với bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Giám Đốc Trung tâm Phát triển Thương mại và Đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) về quá trình thực hiện Chương trình 503 thông qua Cổng thông tin cung – cầu trong thời gian qua.
Phóng viên: Sau quãng thời gian hoạt động rất ngắn tiếp nhận nguồn thông tin qua Cổng thông tin cung – cầu, các HTX, THT đã tiếp cận đưa nông sản lên Cổng thông tin này như thế nào thưa bà?
Bà Lê Thị Kim Oanh: Sau một tuần hoạt động Cổng thông tin cung – cầu đã tiếp nhận rất nhiều nhu cầu của các HTX, THT về mặt hàng nông sản mà họ đang cần tiêu thụ. Được sự trợ giúp kỹ thuật từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các Liên minh Hợp tác xã tỉnh/thành phố, các HTX, THT đã tích cực cập nhật thông tin lên Cổng Thông tin, điều này cho thấy các HTX đã rất quan tâm và đánh giá cao cổng thông tin kết nối cung cầu.
Hiện nay đã có gần 200 HTX đăng ký tham gia bán hàng trên cổng thông tin kết nối cung – cầu. Sự kết nối tiêu thụ sản phẩm qua Cổng thông tin này là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế hợp tác giúp các HTX, THT trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm mở rộng thị trường. Đây là kênh xúc tiến thương mại hỗ trợ kịp thời cho các HTX, THT trong đợt dịch Covid-19 kéo dài, đặc biệt là các tỉnh/thành phố phía Nam đang thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng chống dịch.
Phóng viên: Theo bà, nhu cầu khẩn thiết của các HTX, THT hiện nay như thế nào? Họ gặp khó khăn gì khi thực hiện các bước để có thể đưa nông sản vào hệ thống Cổng thông tin kết nối cung – cầu này? Những câu hỏi phía bà nhận được từ bà con HTX, THT là gì?
Bà Lê Thị Kim Oanh: Nhu cầu cần thiết hiện nay của HTX, THT là nhanh chóng được quảng bá sản phẩm, tiêu thụ được sản phẩm của đơn vị mình qua Cổng Thông tin. Các HTX, THT cũng có nhu cầu lớn được cung cấp thông tin về vận chuyển, lưu thông hàng hóa đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Các HTX, THT kết nối vào cổng thông tin kết nối cung – cầu đều không gặp khó khăn gì lớn. Tuy nhiên, nhiều HTX muốn đưa hình ảnh sản phẩm của đơn vị mình lên để kết hợp quảng bá sản phẩm, làm cho sản phầm hàng hóa của mình thêm sinh động hơn, khó khăn gặp phải là chưa biết đăng lên bằng cách nào. Nhưng những khó khăn này được chúng tôi tháo gỡ ngay bằng các giải pháp công nghệ hướng dẫn trực tuyến tới tận bà con HTX, THT.
Mặt khác, trong qua trình thực hiện việc kết nối bán hàng trên Cổng Thông tin kết nối cung – cầu các HTX, THT thường có thói quen bán hàng qua thương lái, nên kỹ năng bán hàng qua cổng kết nối cung – cầu còn lúng túng. Với thời đại thương mại hiện đại như hiện nay, việc kết nối mua bán trên Cổng Thông tin cung – cầu này sẽ thêm nhiều kỹ năng cho bà con khu vực HTX, THT thông thạo công nghệ 4.0 để thích ứng với việc chuyển đổi số trong việc mua bán.
Phóng viên: Tính đến thời điểm này đơn hàng tiêu thụ kết nối cung cầu đã được số lượng bao nhiêu? Đã có đơn hàng nào kết nối xuất khẩu được chưa thưa Bà?
Bà Lê Thị Kim Oanh: Thực hiện 503/CTr- LMHTXVN ngày 04 tháng 8 năm 2021 đến nay Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư đã hỗ trợ trực tiếp cho 61 HTX sản xuất thanh long, mít, nhãn, dừa, sầu riêng, bơ và các loại thủy hải sản… kênh hỗ trợ của Trung tâm tập trung vào kết nối các HTX có sản lượng lớn, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện tại, Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư đang kết nối cho 4 đơn vị gồm: (1) Liên hiệp HTX và 3 HTX sản xuất thanh long mít tại Bình Thuận, Đồng Tháp và Hậu Giang. Liên hiệp HTX trên có sản lượng cung cấp cho thị trường xuất khẩu từ 150-500 tấn/tháng. (2)Trung tâm cũng đã kết nối cho các HTX, THT sản xuất hàng nông sản, thủy hải sản và các mặt hàng thiết yếu tại 5 tỉnh: Cần thơ, Bến tre, Đắc Lắc, Bạc Liêu, Hậu Giang. Với hệ thống bán hàng online, offline thuộc chuỗi Foodmap, Lazada, Tiki và hệ thống di động Việt.
Hàng năm, nhu cầu Trung Quốc thu mua thanh long của các HTX, THT tại Việt Nam với sản lượng 50 nghìn tấn/năm. Theo con số thống kế sơ bộ, hiện nay, Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư đã kết nối xong HTX tại Bình Thuận xuất khẩu thanh long trắng, quận Thủ Đức (TPHCM) được 3 tấn, TP Đà Nẵng được 10 tấn. Bên cạnh đó, Trung tâm đã kết nối được HTX nhãn tại Bình Thuận với Công ty chế biến thực phẩm được 3 tấn.
Phóng viên: Vậy là chúng ta đã kết nối được cung – cầu khá tốt trong thời gian thực hiện Chương trình 503? Vậy theo Bà, những việc cần làm tiếp theo để đẩy mạnh việc kết nối này là gì?
Bà Lê Thị Kim Oanh: Theo tôi, thời gian tới Liên minh Hợp tác xã tỉnh/thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền tới từng HTX, THT về Chương trình 503 để các thành viên nắm được và cung cấp nhu cầu tới bộ phận thông tin của Cổng Thông tin cung – cầu Chương trình 503. Như vậy người dân HTX, THT mới chủ động kết nối và giao dịch với bên mua, kèm theo những thương thảo thương mại cụ thể của hai bên.
Thêm nữa, các thành viên HTX, THT cũng bối rối trong việc kết nối đơn vị vận chuyển và cũng đưa những yêu cầu kết nối đơn vị vận chuyển trong vấn đề tiêu thụ nông sản tới bên mua. Chúng tôi cũng đã kết nối giúp các HTX, THT về lĩnh vực vận chuyển tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung – cầu của HTX, THT một cách nhanh nhất, thuận tiện và đảm bảo nhất.
Rất mong thời gian tới đây, các HTX, THT sẽ kết nối nhiều hơn nữa với Cổng Thông tin cung – cầu để đưa được nông sản cần tiêu thụ lên Cổng Thông tin cung – cầu nhằm tiêu thụ nhanh nhất những mặt hàng của HTX, THT trong giai đoạn vào mùa thu hoạch, tránh tồn đọng nông sản dẫn đến phải bỏ hết sản phẩm thu hoạch vì không thể tiêu thụ được. Chúng tôi cam kết sẽ hết sức kết nối các bên, hỗ trợ tích cực cho bà con HTX, THT.
Phóng viên: Cảm ơn bà!
Quỳnh Trang (thực hiện)