Thủy sản là một trong những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, đóng vai trò chủ lực trong hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều quốc gia, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để sản phẩm có thể giữ được giá trị thương mại và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, chất lượng thủy sản phải được kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu đánh bắt, chế biến đến phân phối.
Bài viết dưới đây sẽ điểm qua những hình thức kiểm tra chất lượng phổ biến đang được áp dụng trong ngành thủy sản hiện nay nhằm giúp doanh nghiệp duy trì tiêu chuẩn xuất khẩu và xây dựng lòng tin với thị trường trong nước lẫn quốc tế
Tầm quan trọng của kiểm định chất lượng thủy hải sản
Trong ngành thủy sản – nơi đề cao các sản phẩm có độ tươi sống, an toàn và truy xuất nguồn gốc quyết định giá trị sản phẩm. Kiểm định chất lượng không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là yếu tố quan trọng quyết định vị trí trên thị trường của doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Thủy hải sản rất dễ nhiễm khuẩn, kim loại nặng hoặc phân hủy nếu không được xử lý và bảo quản đúng cách. Việc kiểm định giúp phát hiện sớm các mối nguy, đảm bảo sản phẩm an toàn, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tăng niềm tin thị trường
Người tiêu dùng ngày càng khắt khe và có xu hướng lựa chọn sản phẩm đã qua kiểm định rõ ràng. Chứng nhận chất lượng không chỉ là cam kết về an toàn, mà còn là yếu tố nâng cao trải nghiệm và củng cố lòng tin, từ đó thúc đẩy doanh số.
Tuân thủ quy định pháp lý
Ngành thủy sản chịu sự quản lý nghiêm ngặt từ các cơ quan trong và ngoài nước. Việc kiểm tra chất lượng giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc, tránh vi phạm pháp luật và các rào cản xuất khẩu.
Ngăn chặn gian lận thương mại
Kiểm định giúp phát hiện các hành vi gian lận như gắn sai nhãn loài, thay đổi nguồn gốc hoặc quảng cáo sai sự thật. Điều này đảm bảo người tiêu dùng được tiếp cận đúng sản phẩm, đồng thời giữ gìn uy tín cho toàn ngành.
Duy trì độ tươi và giá trị dinh dưỡng
Kiểm tra cảm quan và theo dõi nhiệt độ trong suốt chuỗi cung ứng là yếu tố cốt lõi để bảo toàn chất lượng, hương vị và giá trị dinh dưỡng của hải sản từ nơi đánh bắt đến bàn ăn.
Tạo lợi thế xuất khẩu
Mỗi thị trường nhập khẩu đều có tiêu chuẩn khác nhau. Kiểm định chất lượng giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu quốc tế, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Một số hình thức kiểm định chất lượng thủy hải sản phổ biến
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, các sản phẩm thủy hải sản phải trải qua nhiều khâu kiểm định nghiêm ngặt. Dưới đây là những hình thức kiểm định thường được áp dụng trong ngành:
Đánh giá cảm quan: Đây là bước đầu tiên để xác định chất lượng sản phẩm thông qua hình thức, mùi, màu sắc và kết cấu. Các giám định viên được đào tạo chuyên sâu sẽ phát hiện các dấu hiệu hư hỏng hoặc nhiễm bẩn tiềm ẩn bằng cách sử dụng thị giác, khứu giác và vị giác.
Quản lý nhiệt độ: Thủy sản là mặt hàng dễ hỏng, nên việc bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ phù hợp là điều bắt buộc. Các đơn vị kiểm tra sẽ giám sát toàn bộ chuỗi lạnh để đảm bảo sản phẩm duy trì độ tươi tối ưu cho đến khi đến tay người tiêu dùng.
Xét nghiệm vi sinh: Các mẫu thủy sản được kiểm tra để phát hiện vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, Vibrio hay Listeria. Việc này giúp ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bảo đảm sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn.
Phân tích hóa chất và độc tố: Hải sản được xét nghiệm để phát hiện dư lượng kháng sinh, kim loại nặng (như chì, thủy ngân) và độc tố tự nhiên. Mục tiêu là loại bỏ các sản phẩm chứa chất nguy hại, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng và tuân thủ quy định quốc tế.
Xác minh loài: Thông qua kỹ thuật phân tích DNA, các cơ quan chức năng kiểm tra xem tên loài ghi trên nhãn có đúng với thực tế hay không. Việc này nhằm ngăn chặn gian lận thương mại và bảo vệ người tiêu dùng khỏi thông tin sai lệch.
Kiểm tra bao bì và nhãn mác: Ngoài chất lượng sản phẩm, quy cách đóng gói và ghi nhãn cũng được giám sát chặt chẽ. Nhãn phải ghi rõ tên sản phẩm, xuất xứ, trọng lượng, cách bảo quản và cảnh báo dị ứng nếu có nhằm đảm bảo minh bạch và đầy đủ thông tin.
Truy xuất nguồn gốc và kiểm tra hồ sơ: Sản phẩm phải kèm theo hồ sơ rõ ràng từ lúc đánh bắt đến khâu chế biến. Việc kiểm tra giấy tờ, chứng nhận và dữ liệu truy xuất không chỉ giúp xác minh tính hợp pháp, mà còn là yêu cầu bắt buộc trên nhiều thị trường nhập khẩu.
Trong bối cảnh ngành thủy sản ngày càng chịu áp lực từ thị trường quốc tế về an toàn thực phẩm, việc áp dụng các phương pháp phân tích chất lượng không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Từ cảm quan, vi sinh, hóa học đến truy xuất hồ sơ, mỗi bước kiểm tra đều là mắt xích quan trọng giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm, duy trì uy tín và mở rộng thị phần xuất khẩu. Đầu tư cho kiểm định chất lượng không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, mà còn nâng cao giá trị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng toàn cầu.