Đưa cơ chế chính sách cho phát triển HTX nông nghiệp vào thực tiễn

Tháo gỡ những khó khăn vướng mắc từ thể chế là một trong những vấn đề quan trọng giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX thích ứng với thị trường và phát triển bình đẳng như các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường.

Tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về phát triển HTX nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới”, các đại biểu khẳng định, mô hình kinh tế tập thể (KTTT), HTX đã góp phần khắc phục tình trạng phân tán, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đồng nhất, đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng của thị trường.

Tháo gỡ về tín dụng

Tuy nhiên, sự phát triển của HTX nhìn chung còn chậm. Số lượng HTX tăng nhưng số lượng thành viên trung bình của một HTX giảm xuống . Cụ thể là năm 2001, trung bình một HTX có 478 thành viên nhưng đến năm 2021 chỉ còn 208 thành viên. Đa số HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, trình độ khoa học công nghệ, tiềm lực tài chính yếu, năng lực của độ ngũ cán bộ, phạm vi hoạt động của HTX hạn chế…

Nguyên nhân của tình trạng trên có rất nhiều, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trực tiếp và gián tiếp, trong đó quan trọng nhất là những nguyên nhân từ thể chế, từ cơ chế, chính sách, sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực từ Nhà nước và việc thực hiện cơ chế, chính sách đều chưa đủ mức, chưa tạo được động lực và những điều kiện thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển.

Cụ thể nhất là chính sách tín dụng cho khu vực KTTT, HTX tuy đã được ban hành nhưng vẫn chưa đi sâu vào thực tiễn. Điều này được thể hiện qua số dư nợ đối với HTX, liên hiệp HTX, đặc biệt là dư nợ đối với các HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất thấp.

Theo Viện Chiến lược Ngân hàng, dư nợ cho nền kinh tế đến cuối năm 2021 là 9.680.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 2.420.641 tỷ đồng, chỉ chiếm 25% tổng dư nợ cho nền kinh tế, nhưng tổng dư nợ cho HTX, liên hiệp HTX chỉ chiếm 1.137 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự chênh lệch về nguồn đầu tư tín dụng cho khu vực KTTT, HTX.

Nguyên nhân là do các HTX hạn chế về tổ chức, quản trị điều hành, năng lực quản lý tài chính và đội ngũ cán bộ quản lý chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo cơ bản và ít được cập nhật kiến thức mới.

Mối quan hệ giữa HTX và các thành viên còn thiếu sự gắn kết khiến không ít thành viên tự đứng lên vay vốn bên ngoài chứ không thông qua HTX. Điều này rất khó khăn trong việc thuyết phục các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quá trình thẩm định phương án vay.

Bên cạnh đó, các HTX còn hạn chế về năng lực tài chính. Cụ thể là muốn vay được vốn để triển khai dự án mới, HTX phải có nguồn vốn đối ứng tối thiểu từ 200-300 triệu đồng (chiếm từ 20-30% tổng nguồn vốn) nhưng nhiều HTX không đáp ứng được.

Các HTX ngành nghề cũng chưa có sự liên kết để tăng vốn theo quá trình hoạt động. Đi cùng với đó là hiệu quả hoạt động của mô hình HTX còn chưa cao, số lượng dịch vụ ít. Sản phẩm chưa có thương hiệu trên thị trường và chưa có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị nên chưa đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thị trường, khó đáp ứng các điều kiện vay vốn.

Còn về phía các TCTD đang gặp khó khăn trong quá trình thẩm định và chấp nhận các điều khoản vay vốn của các HTX do HTX thiếu hoặc không có các điều kiện đảm bảo.

Nhiều HTX có thành viên góp vốn bằng tài sản nhưng vẫn mang tên chủ sở hữu và chưa chuyển tên cho HTX nên không đủ điều kiện pháp lý để HTX sử dụng các tài sản này bảo đảm cho các khoản vay.

Quy trình thủ tục cho vay cho các HTX nông nghiệp theo Nghị định 55 chưa hiệu quả. Cụ thể là chính sách tín dụng phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết ứng dụng công nghệ cao được quy định tại điều 14, 15 đòi hỏi các TCTD phải áp dụng một quy trình riêng biệt, đặc thù để kiểm soát tốt khả năng liên kết của HTX với chủ thể tham gia chuỗi.

Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các TCTD vẫn thực hiện xét duyệt hồ sơ vay theo các mô hình cho vay truyền thống. Do vậy khi thẩm định phương án vay vốn cho HTX theo Nghị định 55 phải mất nhiều thời gian, công sức và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

5t-4615-1651058028.jpg

Cơ chế chính sách cho HTX cần thông thoáng, phù hợp với kinh tế thị trường.

Ngoài ra, các TCTD cũng gặp khó khăn trong việc giám sát các điều kiện cho vay. Việc cho vay đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp vẫn kém hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chịu tác động trực tiếp từ thị trường, khí hậu… nên chưa hấp dẫn được các TCTD tham gia.

Bà Đỗ Thị Bích Hồng, Phó trưởng phòng Chiến lược ngành ngân hàng, Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết kinh nghiệm ở Canada cho thấy, Nhà nước sẽ có các quỹ, cơ chế ưu đãi chuyển vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các HTX vay. Nhưng hiện ở Việt Nam, các ngân hàng vẫn phải tự huy động, chịu trách nhiệm về việc cho HTX vay nhưng phải thu được nợ. Chính vì vậy, các ngân hàng luôn phải đề cao tính chịu trách nhiệm và luôn chặt chẽ, minh bạch trong mọi khoản vay, kể cả đối với HTX.

Nhằm giải quyết vấn đề này, các HTX cần chủ động rà soát, nâng cao hoạt động quản lý, tài chính… để có kế hoạch sản xuất cụ thể, hiệu quả theo chuỗi giá trị, từ đó tạo thêm niềm tin cho các TCTD trong quá trình xem xét các điều khoản cho vay.

Còn đối với các TCTD cần tiếp tục chủ động đa dạng các hình thức huy động để mở rộng nguồn vốn cho vay đối với nông nghiệp nông thôn nói chung và các HTX nói riêng. Các ngân hàng cũng cần tăng các phương án thẩm định đối với HTX thay vì chỉ phụ thuộc vào các tài sản đảm bảo. Đồng thời, thực hiện giảm thiểu thủ tục rườm rà để HTX dễ tiếp cận quy trình.

Luật HTX phải theo định hướng thị trường

Ngoài rào cản về vay tín dụng, những hạn chế của Luật HTX năm 2012 cũng đang kìm hãm sự phát triển của khu vực KTTT, HTX.

Chẳng hạn như quy định về tỷ lệ góp vốn còn hạn chế, không cho phép thành viên chuyển nhượng vốn cho chủ thể khác. Hay những ai không sử dụng dịch vụ của HTX thì không được tham gia và không trở thành thành viên của HTX.

Theo TS Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách (Bộ NN&PTNT), những điều này không tối đa hóa lợi ích ngắn hạn của thành viên nên nhiều người không muốn đầu tư vào HTX và khiến HTX khó kết nạp thành viên mới.

Ngoài ra, vấn đề quản lý nhà nước đối với HTX trong Luật HTX năm 2012 còn nhiều hạn chế. Cụ thể là tại điều 59 và 60 chưa làm rõ được trách nhiệm của Nhà nước đối với giai đoạn hiện nay như chưa đề cao vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý HTX, cũng như chưa có sự trao đổi, phối hợp, quản lý thông tin giữa các bộ ngành, cơ quan ngang bộ…

Không chỉ vậy, Luật HTX năm 2012 quy định lợi nhuận sau thuế phần lớn là theo mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên, gây khó cho HTX trong quá trình huy động nguồn vốn.

TS Hoàng Vũ Quang cho biết Luật HTX năm 2012 hiện nay có những quy định cứng nhắc về mô hình quản trị HTX, khiến HTX khó mở rộng quy mô, ít quan tâm đến hoạt động HTX trong nền kinh tế thị trường.

Để tạo động lực, khuyến khích người dân tham gia, phát triển HTX, quá trình sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 cần bảo đảm tôn trọng một số nguyên tắc cơ bản của HTX, phù hợp với điều kiện thị trường, công nghệ luôn thay đổi, đó là nguyên tắc HTX được tôn trọng, bình đẳng với các tác nhân khác. Mức độ hỗ trợ của Nhà nước cho HTX phải gắn với mức độ HTX phục vụ thành viên.

Bên cạnh đó, các bộ ngành cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi Luật HTX 2012 dựa trên quá trình tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW, đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về KTTT, HTX theo hướng tinh gọn, phân định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp trong quản lý khu vực KTTT, HTX…

TS Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết phần lớn các nước đều khẳng định HTX là mô hình đem lại hiệu quả cho thành viên và người dân, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Động cơ hoạt động của HTX là tuân theo các định hướng của nền kinh tế thị trường, hiệu quả hoạt động của HTX là nhờ vào quy mô. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, HTX là cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tại Nhật Bản, 99,2% các nông trại là của các HTX; hay tại Hà Lan, có 17 triệu dân nhưng lại có đến 30 triệu thành viên HTX, tức 1 người có thể tham gia từ 2 HTX.

“Chính vì vậy, các cơ chế chính sách cần tạo điều kiện giúp HTX phát triển, mở rộng về quy mô, diện tích, doanh thu. Bên cạnh đó, chính sách cần bảo đảm kết hợp giữa dịch vụ bên trong HTX và dịch vụ bên ngoài xã hội, kết hợp giữa thành viên và ngoài thành viên để bảo đảm sở hữu tập thể”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng cho rằng từ kinh nghiệm thế giới cho thấy, phát triển HTX là tất yếu khách quan, chỉ có liên kết mới hạn chế những khó khăn của sản xuất nhỏ lẻ, mới thúc đẩy được tam nông. Chính vì vậy, cần coi phát triển HTX là giải pháp đột phá trong 10 năm tới, vì HTX không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn đóng góp vào chính trị, xã hội, trong khi HTX là nơi tập trung tài sản thấp nên càng cần sự hỗ trợ từ chính sách như: bỏ thuế thu nhập cá nhân ở khu vực HTX, tăng hỗ trợ cho vay vốn, có gói hỗ trợ riêng về hạ tầng cho HTX công nghệ cao…

Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng cần hoàn thiện các thể chế chính sách phát triển KTTT, HTX dựa trên cơ chế thị trường, gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, hiện đại. Đi cùng với đó cần các định phát triển HTX là giải pháp cơ bản để tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp, liên kết, hỗ trợ hộ nông dân sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness