Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, số lượng HTX nông nghiệp trên cả nước không ngừng tăng nhanh cả về quy mô lẫn chất lượng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để HTX thật sự phát huy vai trò trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện, bổ sung chính sách, thực hiện cơ chế đồng bộ… giúp HTX có thêm những động lực để phát triển.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, số lượng HTX nông nghiệp trên cả nước không ngừng tăng nhanh cả về quy mô lẫn chất lượng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để HTX thật sự phát huy vai trò trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện, bổ sung chính sách, thực hiện cơ chế đồng bộ… giúp HTX có thêm những động lực để phát triển.
Những thành tựu hợp tác xã
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước có khoảng 18.327 HTX nông nghiệp và 79 liên hiệp HTX nông nghiệp. Như vậy, sau 20 năm, số lượng HTX nông nghiệp tăng 12.569 HTX; còn so với thời điểm Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thì số lượng HTX nông nghiệp cả nước tăng khoảng 7.917 HTX. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng và hiệu quả của các HTX nông nghiệp cũng có nhiều đổi mới. Tỷ lệ các HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá tốt đạt 60% (so với năm 2013 chỉ đạt 10%). Nhờ sự thay đổi đem đến những tín hiệu như vậy đã thu hút được người dân tham gia vào HTX, số lượng tăng dần theo từng năm. Đến hết năm 2021, cả nước có 3,23 triệu thành viên; tổng số lao động thường xuyên trong các HTX nông nghiệp khoảng 550.000 người.
Bên cạnh việc tăng nhanh về số lượng, các HTX cũng tập trung phát triển chất lượng hoạt động sản xuất bằng việc ứng dụng công nghệ cao. Tính đến nay, cả nước có 2.200 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm 12% tổng số HTX nông nghiệp). Ghi nhận tại HTX Bưởi Da Xanh tỉnh Bến Tre, đơn vị đang sở hữu 101 ha bưởi da xanh với sản lượng trung bình 800 tấn/năm, đã áp dụng thành công thực hành nông nghiệp tốt và đạt chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Trong đó, có 37,7 ha đạt VietGAP và 14,7 ha đạt GlobalGAP. Đồng thời, HTX còn xây dựng và vận hành ổn định Website để giới thiệu và bán sản phẩm.
Nhờ những hoạt động sản xuất, kinh doanh sáng tạo, đến nay, tổng số vốn hoạt động của HTX nông nghiệp khoảng 29.425 tỷ đồng; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm (năm 2020). Bên cạnh việc phát huy nội lực của các HTX thì chính sách của Nhà nước trong những năm qua cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy hoạt động của các HTX. Trong vòng 20 năm qua, kinh phí hỗ trợ cho các HTX đạt khoảng 8.180 tỷ đồng; bên cạnh đó, đã có 312.363 cán bộ quản lý và thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng…
Gỡ “nút thắt” để phát triển
Mặc dù bước đầu đã có những thành công nhưng các HTX vẫn còn gặp không ít khó khăn trong sản xuất, hội nhập và phát triển. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Lê Minh Hoan, khó khăn lớn nhất qua 5 năm hoạt động gần đây của HTX là nhân sự bộ phận kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là giám đốc điều hành dẫn đến nhiều chỉ tiêu, mục tiêu của HTX chưa đạt như mong muốn. Vì vậy, các HTX muốn phát triển, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng cần sự phát huy nội lực của bản thân. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thu hút đầu tư công nghệ hạ tầng logistics để các HTX nâng cao năng lực. Bộ cũng chuẩn bị trình Chính phủ chương trình logistics cho ngành nông nghiệp để giải quyết việc đứt gãy chuỗi cung ứng khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Chia sẻ về thực tế bộ máy điều hành tại HTX Bưởi Da Xanh, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, chỉ riêng chức danh giám đốc điều hành, gần 5 năm HTX đã thay đổi năm giám đốc. Do hầu hết giám đốc đều là những người trẻ, còn thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý HTX cho nên hạn chế trong điều hành, dẫn đến nhiều kế hoạch sản xuất không thể thực hiện. Chưa kể kinh nghiệm và kinh doanh mặt hàng nông sản của các giám đốc điều hành trẻ còn hạn chế dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, năng lực cạnh tranh của HTX còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu cần có.
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, hiện tại bộ máy quản lý HTX nông nghiệp còn yếu và mỏng; chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp còn hạn chế; một số quy định về HTX chưa hoàn thiện… dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX còn thấp. Khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có bộ máy điều hành sản xuất, kinh doanh không chỉ là khó khăn của HTX Bưởi Da Xanh tỉnh Bến Tre mà còn của hầu hết các HTX hiện nay. Chưa kể, việc các HTX chấp nhận thay đổi mang tính đột phá là “mua chung, bán chung”, dám ký hợp đồng bán hàng giá cố định trong năm còn thấp, dẫn đến hạn chế trong mở rộng thị trường, tăng vốn đầu tư hướng đến sự phát triển bền vững thấp.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, cần phải thu hút nông dân với những mảnh ruộng nhỏ lẻ vào HTX để hình thành những cánh đồng lớn, qua đó mới có thể sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả. Các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến HTX chủ yếu là lồng ghép vào các Chương trình mục tiêu quốc gia mà chưa có chương trình riêng. Vì vậy, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, bổ sung cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX nông nghiệp tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chính là bước đệm quan trọng để HTX, KTTT phát triển bền vững.