Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng mọi người thường trăn trở về cái giá phải trả khi thay đổi, chứ ít khi để tâm đến cái giá phải trả khi không thay đổi.
Đừng để bài toán “con gà quả trứng” bó buộc chúng ta
Tại Hội nghị Công tác đào tạo nhân lực ngành Nông nghiệp & PTNT ngày 14/11, Bộ trưởng Lê Minh Hoan định hướng đổi mới, sáng tạo trong cách giảng dạy của các thầy, cô giáo, cũng như khơi gợi cảm hứng, niềm khát khao học hỏi cho học viên tại các trường, viện, cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN-PTNT.
Kể câu chuyện một nông dân dùng que đuổi để chim bay được, dù nhiều chuyên gia bó tay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh hai vấn đề. Một, là ngành nông nghiệp cần phải tìm ra những “que” như vậy – nghĩa là một cách làm mới, một tư duy mới. Hai, là ngành nông nghiệp cần quan tâm sâu sát hơn tới bà con nông dân, những người trực tiếp lao động, sản xuất ngoài ruộng đồng.
“Gần một năm qua, tôi đã tới thăm nhiều trường, viện thuộc Bộ NN-PTNT và nhận thấy các cơ sở còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, không nên để bài toán “con gà quả trứng” bó buộc chúng ta. Thay vào đó, tự thân mỗi thầy, cô giáo, cán bộ, công nhân viên ngành nông nghiệp phải tự thân vận động. Đừng vì những rào cản trước mắt mà chúng ta đứng im”, Bộ trưởng nói.
Chia sẻ về những điều mắt thấy, tai nghe khi tới thăm những phòng thí nghiệm khang trang, đầy đủ thiết bị hiện đại ở nước ngoài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, ông “rơi nước mắt” khi nghĩ về những thầy, cô giáo vừa đứng lớp, vừa trăn trở về cơm áo gạo tiền.
Trong dịp mừng ngày truyền thống ngành Nông nghiệp & PTNT (14/11) và không khí hân hoan của ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tâm niệm “muốn đi xa phải đi cùng nhau”.
Ông chủ trương, nếu không thể giải quyết tất cả cùng lúc, thì hãy chẻ nhỏ vấn đề. “Một phương trình quá nhiều ẩn số sẽ khó, nhưng nếu chấp nhận một số trong đó là hằng số, hoặc xoay ngược vấn đề, chúng ta có thể giải quyết được bài toán”, ông nói tiếp.
Bộ NN-PTNT hiện có 34 trường, gồm: 1 học viện, 3 trường đại học, 2 trường cán bộ quản lý, 28 trường cao đẳng và 8 viện nghiên cứu khoa học có đào tạo sau đại học. Tính đến năm 2020, các trường, viện có 373 ngành nghề đào tạo. Trong đó bậc đại học có 88 ngành, cao đẳng là 112 ngành, với tỷ lệ ngành nông nghiệp lần lượt là 35,2% và 42,8%.
Những năm gần đây, việc tuyển sinh khối ngành nông nghiệp gặp nhiều thách thức. Thống kê của Vụ Tổ chức cán bộ cho thấy, hiện các trường thuộc Bộ NN-PTNT tuyển 52.208 sinh viên bậc đại học, giảm khoảng 35% so với giai đoạn 2010-2015. Đó cũng là tình hình chung của bậc cao đẳng, trung cấp. Điều này trực tiếp gây khó khăn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ NN-PTNT. Số lượng, cơ cấu nhà giáo một số trường thiếu hụt, đặc biệt là nhà giáo trình độ cao, đầu đàn ở các khoa.
Đưa trường học “trở thành thánh đường”
Ngày 24/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) là một trong số 11 trường đại học được phê duyệt cho thí điểm mô hình tự chủ. Thông qua cơ chế mới, Học viện đã chủ động khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực hiện có, cả về đào tạo lẫn công tác tài chính.
Bất chấp những chuyển dịch như vậy, nhiều ngành đào tạo về nông nghiệp vẫn thiếu sinh viên. Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, nguyên nhân do sinh viên theo học chủ yếu là tại nông thôn, khả năng chi trả học phí còn hạn chế. Ngoài ra, với đặc thù của ngành nông nghiệp, sinh viên ra trường thường công tác ở vùng sâu, vùng xa, thu nhập thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội.
“Chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ NN-PTNT một số giải pháp như hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí, và đề ra một số chính sách ưu tiên tuyển dụng cho sinh viên vào các đơn vị trực thuộc Bộ, nhằm tránh nguy cơ thiếu hụt nhân lực”, ông Giang nói.
Trăn trở của ông Giang cũng là tâm tư của Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp Trần Văn Chứ. Ông chia sẻ, ngành nông nghiệp ít xuất hiện trong danh sách ưu tiên của phụ huynh, học sinh. “Trước đây có câu ‘nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa’, còn giờ chúng tôi thậm chí không có đủ học bạ tuyển sinh vì nhu cầu sinh viên đổ dồn vào các trường tốp đầu”, ông Chứ bộc bạch.
Lắng nghe những chia sẻ của những người làm giáo dục, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị tất cả chung tay để đưa trường học “trở thành thánh đường”, là nơi để học sinh, sinh viên chìm đắm trong nghiên cứu.
Để giải quyết tận gốc những vấn đề tồn tại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở hai ý tưởng. Thứ nhất, giáo dục, đặc biệt là trong khối ngành nông nghiệp, phải tìm ra những điểm riêng, hấp dẫn. “Một lớp có 40 sinh viên, nhưng họ giống nhau. Chúng ta đào tạo con người, chứ không phải sản xuất những sản phẩm hàng loạt. Vì thế, trong cái chung phải tìm ra cái riêng, để hấp dẫn người học”, ông bày tỏ.
Thứ hai, các viện, trường, cơ sở đào tạo nghiên cứu về việc tích hợp đa giá trị trong việc giảng dạy. Lấy dẫn chứng từ việc trồng lúa, nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho rằng các trường có thể đưa vào nhiều lĩnh vực mới như khoa học, công nghệ thông tin để cung cấp tri thức, nuôi dưỡng khát vọng cho sinh viên.
“Người Nhật thường nói, cái gì người khác làm được, họ chắc chắn làm được; cái người khác không làm được, họ có thể làm được. Tôi biết, cái gì mới cũng mong manh, nhưng nền móng chúng ta đặt hôm nay chính là để cho ngày mai. Mỗi thầy, cô, mỗi viện, trường, tất cả đều có sứ mệnh và bổn phận để giúp nền nông nghiệp thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ. Tôi mong chờ một cú hích đủ mạnh, để những ai đang cống hiến trong ngành nông nghiệp đều thấy họ có một công việc đáng làm, một cuộc sống đáng sống”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Xây dựng bản đồ phát triển nhân lực nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vui khi nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khi tham dự Hội nghị. Ông chia sẻ: “Nghe Bộ trưởng Lê Minh Hoan mời sang trao đổi về các trường là tôi nhận lời ngay, bởi Bộ GD-ĐT luôn có một phần trách nhiệm trong đó”.
Thổ lộ sự quan tâm đặc biệt đến các trường về nông nghiệp, bởi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, và Việt Nam là một nước nông nghiệp, Bộ trưởng Sơn cho biết, hai Bộ cần phối hợp để đào tạo ra nguồn nhân lực đủ đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn trong 5-7 năm nữa, thay vì dồn cả vào các vấn đề hiện tại.
Ông đề ra một số giải pháp như cử cán bộ trẻ, có năng lực đi đào tạo, tu nghiệp nước ngoài, đồng thời xây dựng bản đồ phát triển nhân lực, chuẩn bị cho một chiến lược dài hơi để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Thừa nhận giáo dục vừa đi trước, vừa phục vụ cho kế hoạch phát triển nông nghiệp, người đứng đầu ngành giáo dục cam kết đồng hành với Bộ NN-PTNT trong việc quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ, khi tỷ lệ thầy cô giáo đạt học hàm, học vị cao của khối trường nông nghiệp lên tới 50%, cao hơn so với các ngành khác (khoảng 30%).
“Ngành nông nghiệp cần phát huy lợi thế này trong định hướng phát triển thời gian tới. Một vấn đề nữa là việc tự chủ của các trường đại học, cao đẳng. Làm thế nào để biến nó thành động lực phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.
Với ngành giáo dục, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thành lập một khoa có tên “Công nghệ nông nghiệp”. Chia sẻ về cách làm này, Bộ trưởng Sơn cho rằng nông nghiệp là mối quan tâm chung của toàn xã hội, cũng là một vấn đề chiến lược của nhiều trường đại học, cao đẳng. Trên thế giới, nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đã tích hợp nhiều hàm lượng công nghệ, kỹ thuật vào giảng dạy trong các bộ môn về nông nghiệp. “Đến một ngày nào đó, có lẽ chúng ta sẽ không thể phân biệt được nông nghiệp và công nghiệp, nhất là những ngành nông nghiệp công nghệ cao. Tôi ao ước Việt Nam có một ngày như vậy, và hy vọng Khoa Công nghệ nông nghiệp sẽ tận dụng được mọi ưu điểm liên ngành về công nghệ, sinh học của Đại học Công nghệ. Song song với đó, trong quá trình tuyển sinh, các thầy cô cũng cần giúp học sinh, sinh viên hiểu biết đầy đủ về tiềm năng, cơ hội trong công ăn việc làm khi ra trường”, Bộ trưởng Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, nhận thức của toàn xã hội, trong đó có phụ huynh, học sinh về các trường giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi trong những năm gần đây. Trong bối cảnh nhiều gia đình nông thôn, nơi chiếm tỷ lệ lớn về con em theo học ngành nông nghiệp, còn khó khăn, việc theo học tại trường cao đẳng, trường nghề là một giải pháp.
Cho biết một số tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO rất quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Dũng khuyến cáo, các trường cần dạy những gì thị trường cần, đồng thời lưu ý về tư duy giảng dạy theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp. Một trong những cách làm hay, theo ông Dũng, là nhiều doanh nghiệp đã hình thành các trường dạy nghề ngay tại cơ sở, giúp tạo ra nguồn lao động tại chỗ, đáp ứng được kịp thời cho nhu cầu sản xuất.
Nguồn Nongnghiep.vn