Ngày 23/9, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số – Động lực phát triển KTHT, HTX xã trong kỷ nguyên mới gắn với Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và chỉ đạo Diễn đàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự diễn đàn tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học; đặc biệt là các tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp liên kết.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn
Đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam dự Diễn đàn và có bài phát biểu tham luận về Những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã trong chuyển đổi số.
Cổng thông tin điện tử Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xin đăng toàn văn bài phát biểu quan trọng này:
Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ số và sử dụng cơ sở dữ liệu làm thay đổi mô hình kinh doanh, nhằm giảm chi phí, tiếp cận tối đa khách hàng, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích cho thành viên.
- Tình hình phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1.1. Sáu tháng đầu năm 2022, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, kể cả tổ hợp tác phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho ổn định giá cả, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, ổn định xã hội: Số lượng hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX (LHHTX), tổ hợp tác (THT) thành lập mới và hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng khá ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn (thành lập mới 756 HTX, 11.050 THT, 12 LHHTX); HTX, LHHTX, THT tăng số lượng và giá trị dịch vụ cung ứng cho thành viên, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, doanh thu của HTX tăng bình quân 5,6% so với cùng kỳ năm 2021, HTX vận tải, thương mại và tín dụng đạt doanh thu ở mức cao; phần lớn HTX, LHHTX có lãi nhưng không cao do chi phí đầu vào tăng; thu nhập của thành viên HTX phi nông nghiệp tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Sự phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của HTX, LHHTX có nhiều nguyên nhân, trong đó: (1) Nhiều HTX, LHHTX đã tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội về giảm tiền thuê đất, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng, cơ cấu lại nợ tại các tổ chức tín dụng, vay vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trực thuộc hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; (2) HTX, LHHTX đang từng bước thực hiện chuyển đổi số trong cung ứng đầu vào, canh tác, chế biến, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
1.2. Một số kết quả đạt được về chuyển đổi số của HTX, LHHTX
(1) Nhiều HTX, LHHTX sử dụng các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản trị dữ liệu bằng các tệp máy tính có định dạng, trao đổi thông tin, quản trị hoạt động đầu vào, đầu ra,…; truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm; sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động thanh toán. 65% số HTX được khảo sát vào tháng 6/2022 do Liên minh HTX cấp tỉnh thực hiện đã sử dụng công nghệ số ở mức độ khác nhau để quản trị hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX, LHHTX ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ ứng dụng công nghệ số mang lại hiệu quả do cán bộ có trình độ, sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới, liên kết chuỗi giá trị và được Nhà nước, các tổ chức ở trong, ngoài nước hỗ trợ.
(2) Nhiều HTX, LHHTX nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp áp dụng công nghệ cao (tưới nhỏ giọt, lò sấy trống, chế biến cà phê ướt,…), sản xuất sản phẩm có thương hiệu (OCOP, hữu cơ, GlobalGap,…), tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử (Facebook, Zalo, Fanpage, Group, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart,… ), Sàn bán hàng điện tử của Liên minh HTX Việt Nam. HTX vận tải đầu tư thiết bị, phần mềm để quản trị hành trình, khách hàng và vận đơn hàng hóa, tích hợp thanh toán tự động không dừng; HTX thương mại đầu tư mở rộng kho và cửa hàng, thiết bị ứng dụng phần mềm bán hàng, quản lý nhập, xuất hàng hóa; Ngân hàng HTX và các Quỹ tín dụng nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động, cung ứng dịch vụ.
(3) Nhiều HTX, LHHTX thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi hoạt động so với phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Các HTX, LHHTX có tiến bộ về nhận thức chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư thiết bị hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin đầu vào, đầu ra, giảm thời gian tìm kiếm thông tin trên nền tảng số, tiết kiệm không gian lưu trữ và chi phí quản lý, nâng cao hiệu suất làm việc. Theo khảo sát đến cuối tháng 6/2022 do Liên minh HTX cấp tỉnh thực hiện, có 83,5% số HTX được khảo sát cho rằng, việc chuyển đổi số là cần thiết, 18,9% HTX đã có kế hoạch chuyển đổi số, 68% HTX sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán hàng trực tuyến.
1.3. Tồn tại, yếu kém và nguyên nhân
(1) Quá trình chuyển đổi số của các HTX, LHHTX diễn ra chậm; theo khảo sát của Liên minh HTX cấp tỉnh, khoảng 50% số HTX được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số; cán bộ quản trị ở nhiều HTX chưa quyết tâm, chưa tuyên truyền, lan tỏa được tới thành viên về lợi ích của chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, mang lại hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
(2) Cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn HTX ở mức thấp, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số; nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, cán bộ quản trị và nhân lực của HTX hiểu và thực hành kỹ năng số còn hạn chế như: Kỹ năng xây dựng cơ sở dữ liệu, kỹ năng sử dụng thiết bị số, kỹ năng tìm kiếm, đánh giá và quản trị thông tin trên thiết bị số, kỹ năng sử dụng phần mềm trong quá trình sản xuất, kỹ năng truyền thông số (thông qua website, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội), kỹ năng thương mại điện tử; kỹ năng thanh toán điện tử,…
(3) Việc ứng dụng các phần mềm tiện ích chưa được chú trọng; ứng dụng công nghệ số trong tìm kiếm, phân tích và dự báo thị trường còn nhiều hạn chế; thanh toán điện tử chiếm tỷ lệ thấp trong các HTX ở vùng sâu, vùng xa, quản trị tài sản bằng sổ giấy.
(4) Việc số hóa dữ liệu của phần lớn HTX, LHHTX ở mức độ thấp (số hoá thông tin, tài liệu, chứng từ, sổ sách,… ); chưa có khả năng chuyển các hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh lên không gian mạng, từ môi trường truyền thống lên môi trường số để chuyển đổi mô hình hoạt động dựa trên công nghệ số, dữ liệu số.
Nguyên nhân: (1) Tỷ lệ lớn HTX, nhất là lĩnh vực nông nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn theo mô hình truyền thống, chưa thấy được nhu cầu cấp bách về chuyển đổi số; (2) Nhận thức của cán bộ quản trị và thành viên của nhiều HTX, LHHTX về chuyển đổi số còn hạn chế; thiếu nguồn lực và điều kiện cơ bản để chuyển đổi số như hạ tầng thông tin, tài chính và nhân lực có kỹ năng chuyển đổi số; (3) Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” chưa quy định cụ thể đối tượng áp dụng và thụ hưởng chính sách là HTX, LHHTX; cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ) trên phạm vi toàn quốc và địa phương chưa được thu thập đồng bộ và chưa được công khai để HTX, LHHTX tiếp cận và sử dụng.
- Đề xuất, kiến nghị
Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu và động lực phát triển của các HTX, LHHTX. Bên cạnh việc tự huy động nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh; các HTX, LHHTX đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương như sau:
(1) Thể chế hoá chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới “Hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số” trong Luật HTX (sửa đổi) và Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc, có quy định cụ thể để các tổ chức kinh tế tập thể tiếp cận, thụ hưởng các nguồn lực hỗ trợ chuyển đổi số.
(2) Xây dựng và tạo điều kiện cho các HTX, LHHTX tiếp cận và sử dụng cơ sở dữ liệu của ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế – xã hội để xây dựng, áp dụng các ứng dụng chuyển đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh.
(3) Ban hành hướng dẫn về chuyển đổi số cho các HTX, LHHTX theo ngành, lĩnh vực mà các bộ, ngành, địa phương quản lý trên cơ sở nhiệm vụ đã được phân công thực hiện tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ như: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghệ số, kinh tế số và chuyển đổi số cho các HTX, LHHTX và thành viên; đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin; kiến thức và các kỹ năng chuyển đổi số; giải pháp chuyển đổi số đối với các loại hình HTX, LHHTX; hỗ trợ thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số; hỗ trợ nhân lực lao động trẻ có chuyên môn về làm việc có thời hạn tại HTX, LHHTX…
(4) Bổ sung HTX, LHHTX là đơn vị tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 08/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, tạo điều kiện cho HTX, LHHTX tiếp cận nguồn lực này.
(5) Xây dựng, công khai và tổ chức thực hiện các quy hoạch cụ thể chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh, gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; cùng với đó là ban hành chính sách để huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các thành phần kinh tế trong các chuỗi giá trị nông sản như tiền thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tín dụng, thuế, bảo hiểm cây trồng và vật nuôi, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất và thông tin, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu…
(6) Xem xét, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, để có nguồn vốn cho vay hỗ trợ HTX, LHHTX thực hiện chuyển đổi số, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đến nay Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP, đủ hành lang pháp lý để các tỉnh, thành phố thành lập và hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Lê Huy
Nguồn: VCA