‘Cơ hội với nông nghiệp Việt Nam đang mở ra ngày một lớn hơn’, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương.
Trước hết có thể nói rằng, trong những năm gần đây nhìn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chúng ta thấy đã có những thay đổi rất căn cơ.
Sự thay đổi bao trùm tất nhiên là tư duy rất mới trong nông nghiệp như xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, tuần hoàn… xây dựng nông dân thông minh, nông dân chuyên nghiệp, khởi nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại, nông thôn số hóa, xanh, truyền thống… Những mục tiêu thay đổi đó đã được cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng có một số điểm mới thể hiện rõ sự thay đổi của nông nghiệp, nông dân, nông thôn so với trước đây. Từ đó thói quen tiêu dùng, tư duy về lối sống và quan niệm về sự phát triển đang chuyển biến, thay đổi rất sâu sắc.
Thứ nhất là lối sống, cách sống, quan niệm sống ở nông thôn, tư duy tiêu dùng trong nông nghiệp đã có nhiều sự thay đổi, nhất là qua đại dịch Covid-19. Nông thôn trở thành nền tảng thực sự để cưu mang, đùm bọc lẫn nhau khi có những biến cố xảy ra. Nông thôn trở thành bệ đỡ tạo công ăn việc làm, trở thành bảo hiểm, đảm bảo đời sống cho hàng triệu người lao động.
Từ những giá trị như vậy thì tư duy bền vững, trách nhiệm trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang được thể hiện ngày một rõ nét hơn. Tổ chức sản xuất, liên kết ở nông thôn không còn đơn thuần là giá trị kinh tế mà còn là văn hóa, chính trị, xã hội…
Thứ hai, trước kia và cho đến bây giờ, chúng ta vẫn thường đặt mục tiêu tăng trưởng, giá trị gia tăng trong nông nghiệp đạt khoảng từ 3-4% là rất tốt. Và thực tế trong nhiều năm cho thấy nông nghiệp bên cạnh những giá trị, vai trò là bệ đỡ lúc nền kinh tế khủng hoảng thì giá trị gia tăng trong nông nghiệp ngày càng đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước. Tăng trưởng trong nông nghiệp không những đóng vai trò là trụ đỡ, là chỗ dựa mỗi khi nền kinh tế khủng hoảng mà đang trở thành lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể như năm 2021, trong bối cảnh đời sống kinh tế xã hội chúng ta gặp muôn vàn những khó khăn khi đại dịch Covid-19 tác quai tác quái thì nông nghiệp là điểm sáng, đạt rất nhiều thành tựu tích cực.
Nông nghiệp không chỉ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước mà chính những thành tựu xuất siêu rất nhiều nông lâm thủy sản đã góp phần cải thiện cán cân thương mại, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, nguồn thu ngoại tệ về cho Việt Nam.
Bây giờ nhìn về nông nghiệp Việt Nam không chỉ là góc độ quy mô hàng chục ngàn tỷ sản phẩm tiêu dùng mỗi năm mà còn là giá trị gia tăng rất cao, đã định vị được giá trị nông sản Việt và giá trị nông nghiệp Việt Nam tiếp tục được khẳng định ngày một tốt hơn.
Nói cách khác, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, những thay đổi mang tính cách mạng khi sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, gắn với những dịch vụ đi kèm, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản đã tạo nên một nền nông nghiệp Việt Nam rất khác.
Thứ ba, trước đây chúng ta nói rằng đầu tư vào nông nghiệp là rủi ro, thậm chí còn xem như làm từ thiện, nhưng với tư duy mới, cách làm mới thì ngày càng có nhiều các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, các dòng tiền quan tâm và đầu tư vào nông nghiệp.
Doanh nghiệp dần khẳng định vai trò dẫn dắt trong chuỗi liên kết. Cùng với hệ thống chính sách, cơ chế rất đặc thù trong thu hút đầu tư thì vấn đề cách thức tổ chức sản xuất, các mô hình liên kết sản xuất như hợp tác xã, tư duy liên kết mới mẻ xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Từ đó, cách nhìn nhận về nông nghiệp, tiếp cận nông nghiệp cũng đã có những sự thay đổi. Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới không chỉ đem lại năng suất mà điều quan trọng là giá trị gia tăng trong nông nghiệp đã được nâng cao hơn hẳn.
Thứ tư, từ những thay đổi về tư duy, nhận thức có thể thấy nông nghiệp của chúng ta không chỉ đáp ứng về mặt sản lượng mà ngày càng đáp ứng được những đòi hỏi về thương mại, những tiêu chí, tiêu chuẩn của thị trường, của xu thế tiêu dùng trên thế giới.
Chất lượng và thương hiệu nông sản Việt Nam ngày càng được khẳng định. Tư duy tận dụng những lợi thế và cơ hội của chúng ta khi tham gia vào những hiệp định thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp những năm gần đây cũng được cải thiện hết sức rõ rệt.
II.
Với tình hình thế giới hiện nay và xu thế của thời đại tôi cho rằng cơ hội của nông nghiệp Việt Nam đang ngày một mở ra quá lớn. Tất nhiên cũng phải nói thị trường nông sản thế giới sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn khi có rất nhiều quốc gia sản xuất nhưng dung tích thị trường tiêu dùng của thế giới đối với nông sản là vô biên.
Như tôi đã phân tích, tư duy mới rất phù hợp và chiến lược phát triển, tầm nhìn nông nghiệp dài hạn sẽ là nền tảng căn cơ để tăng giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thêm nữa, Việt Nam là quốc gia có rất nhiều lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp và mức độ mở cửa của mình rất lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nhất là những hiệp định gắn với các thị trường lớn sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho nông nghiệp.
Với tư duy nông nghiệp mới thì tôi tin rằng nếu chúng ta làm tốt hơn nữa công tác tổ chức sản xuất, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong nông nghiệp thì chắc chắn giá trị gia tăng của lĩnh vực này sẽ ngày càng cao và thương hiệu nông sản Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Thực tế tổ chức sản xuất nông nghiệp của chúng ta đã có nhiều thay đổi rất lớn. Trước kia từ hợp tác xã chuyển thành hộ gia đình, bây giờ có nhiều mô hình khác nhau như liên kết hợp tác xã kiểu mới, liên kết giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp, liên kết năm nhà…
Tuy nhiên tôi vẫn luôn nghĩ cần phải có nghiên cứu chiến lược để gắn kết tốt hơn nữa giữa truyền thống văn hóa nông thôn và sản xuất theo chuỗi của cơ chế thị trường.
Cuối cùng, khu vực nông nghiệp hiện nay đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp, các quỹ đầu tư và các dòng tiền đầu tư, trách nhiệm của Nhà nước là loại bỏ rào cản về mặt thể chế để nông nghiệp thực sự là lĩnh vực đáng để đầu tư.
Nguồn Nongnghiep.vn