Chợ sản phẩm trực tuyến dành riêng cho thành viên HTX và đồng bào dân tộc thiểu số và mọi người cả nước đã chính thức khai trương tại Thái Nguyên. Đây là bước đột phá giúp nông sản vùng cao tiếp cận thị trường rộng lớn, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con.
Chiều 26/5, tại Thái Nguyên, Viện Khoa học công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị “Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và khai trương chợ sản phẩm trực tuyến cho hợp tác xã và thành viên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” với nhiều nội dung quan trọng. Mục đích chính là giúp sản phẩm đặc sản vùng cao dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đinh Hồng Thái – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của việc dùng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thời điểm hiện tại. Đây không chỉ là xu hướng chung mà còn là cách để các HTX, nhất là các HTX ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số có thể cạnh tranh tốt hơn, bán được nhiều hàng hơn và tăng thu nhập cho bà con.
Điểm nhấn của Hội nghị là lễ khai trương chợ sản phẩm trực tuyến dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đây là một trang web bán hàng online đặc biệt, được lập ra để giúp các HTX và người dân vùng cao giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm của mình một cách dễ dàng. Với chợ online này, việc buôn bán không còn bị cản trở bởi khoảng cách địa lý nữa. Các sản phẩm đặc trưng của bà con dân tộc sẽ dễ dàng tiếp cận người mua hơn.
Bên cạnh đó, hội nghị còn tập trung bàn sâu về các giải pháp cụ thể để đưa công nghệ vào hoạt động tại các HTX. Các báo cáo đã đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau về việc dùng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại các HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Mở đầu phần tham luận tại hội nghị, ông Đặng Tiến Hùng – Phó Vụ trưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối trung ương chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Bộ Dân tộc và tôn giáo) đã báo cáo những kết quả của chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2026 – 2030.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Liên minh HTX tỉnh đã chủ trì, phối hợp và lồng ghép để thực hiện chương trình với các nội dung tuyên truyền, đào tạo tập huấn, tư vấn và xây dựng hỗ trợ vận hành chợ trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Qua đó, đã tổ chức 171 lớp tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, HTX với 15.400 lượt người tham dự, trong đó có khoảng 40% lớp được triển khai tổ chức cho khu vực thuộc chương trình, với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, đổi mới nội dung, cập nhật chính sách liên quan từ trung ương đến địa phương.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác như hỗ trợ thành lập mới HTX, liên hiệp HTX, hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể. Đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể, củng cố phát triển HTX.
Công tác hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện hiệu quả thông qua các hoạt động tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm/dịch vụ tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, phiên chợ, tuần lễ giao thương… Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, mạng xã hội…
Công tác xây dựng mô hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm được triển khai hiệu quả và đồng bộ.
Việc xây dựng hỗ trợ vận hành chợ trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được đặc biệt chú trọng. Trong đó, đã tổ chức 20 khóa đào tạo để nâng cao năng lực của các HTX để tiếp cận và làm quen với môi trường điện tử, mạng xã hội với các nội dung: Kỹ năng livestream, maketing số online; ứng dụng AI trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm; truy xuất nguồn gốc, bao bì, thương hiệu, kỹ năng viết content, kỹ năng chup ảnh, kỹ năng quay video ngắn; kỹ năng tổ chức 1 phiên live, khởi tạo gian hàng online; wedsite và vai trò trong vận hành chợ điện tử, cách đăng sản phẩm trên các sàn shopee, tiktok, cách sử dụng các công cụ hỗ trợ…
Nối tiếp phần thảo luận, ông Nguyễn Văn An, đại diện Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam đã chỉ ra những khó khăn khi làm dự án chợ sản phẩm trực tuyến như điều kiện thực tế của địa phương, hạn chế về năng lực tiếp cận công nghệ và nền tảng số, thiếu nguồn lực có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin, công tác truyền thông chưa tạo được hiệu ứng lan toả mạnh mẽ, mạng internet kém…
Tuy nhiên, ông An cũng khẳng định Viện sẽ cố gắng hết sức để vận hành chợ online hiệu quả, cải tiến hệ thống và mở rộng kết nối, nâng cao chất lượng dịch vụ để nền tảng này thật sự có ích, trở thành cầu nối hiệu quả đưa sản phẩm đặc sản vùng đồng bà dân tộc thiểu số và miền núi vươn xa hơn, đến gần hơn với thị trường trong nước và quốc tế.

Đại diện Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi làm tiểu dự án 2, dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dù còn nhiều khó khăn, nhất là việc chọn HTX phù hợp và các vấn đề pháp lý liên quan đến công nghệ, nhưng những kết quả ban đầu cho thấy việc dùng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh có nhiều tiềm năng lớn.
Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham gia của các chuyên gia công nghệ như ông Phan Thanh Toàn, chuyên gia tập đoàn Samsung và giảng viên Đại học FPT đã chia sẻ về việc dùng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của HTX. Ông Toàn nói về các cách AI có thể giúp tối ưu hóa sản xuất, quản lý hàng hóa và phân tích thị trường để đưa ra chiến lược kinh doanh tốt hơn.

Ngoài ra, đại diện Ngân hàng MSB đã giới thiệu giải pháp kết nối thanh toán online với chợ sản phẩm trực tuyến, giúp việc mua bán trên mạng thuận tiện và an toàn hơn. Đại diện VNPOST cũng giới thiệu giải pháp vận chuyển hàng hóa, đảm bảo sản phẩm từ vùng cao sẽ đến tay người mua nhanh chóng và an toàn.
Bà Quách Thị Huyền, Giám đốc HTX Ngôi Nhà Xanh – Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm bán hàng trên các trang thương mại điện tử nước ngoài, từ đó giúp truyền cảm hứng và động lực để các HTX vùng dân tộc thiểu số mạnh dạn hơn khi nghĩ đến việc bán hàng ra nước ngoài.
Phần thảo luận đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp và câu hỏi từ các đại biểu, tập trung vào việc giải quyết các khó khăn khi dùng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Cuối cùng, ông Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật số (Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường) đã phổ biến quy chế, chính sách của chợ sản phẩm trực tuyến của Liên minh HTX Việt Nam. Điều này giúp các HTX và thành viên hiểu rõ cách thức hoạt động và quyền lợi của mình khi tham gia.