Chuyển đổi số hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Chuyển đổi số sẽ giúp khắc phục những hạn chế về chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu… để từ đó hình thành nền nông nghiệp hiện đại, đem lại giá trị, thu nhập cao.

Và đó cũng là những mục tiêu mà ngành Nông nghiệp Thủ đô đang nỗ lực hướng tới.

             Ứng dụng công nghệ cao sản xuất nho hạ đen ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ. Ảnh: Ánh Ngọc

Những dấu ấn ban đầu

Đến thăm khu trồng rau của Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) mới thấy rõ, công nghệ 4.0 đang được ứng dụng rõ nét trong sản xuất.

Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý cho biết, HTX thực hiện nghiêm ngặt theo đúng nguyên tắc “5 không” (không sử dụng thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, giống biến đổi gen). Đáng chú ý là trong sản xuất, HTX đều sử dụng phân bón hữu cơ và men vi sinh, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy từ trong ra ngoài, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng máy phun sương chờ ngày thu hoạch.

Đặc biệt, hiện nay HTX đang sử dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội để tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm. Với sự chủ động trong ứng dụng công nghệ số, HTX đã quảng cáo các sản phẩm của mình thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… Nhờ đó, những năm qua, thương hiệu rau hữu cơ của HTX đã nổi tiếng khắp trong và ngoài thành phố Hà Nội. Trên mỗi bó rau được đóng gói, khách hàng chỉ cần cầm điện thoại thông minh quét mã vạch là có thể biết được địa chỉ, quy trình sản xuất… Đến nay, toàn bộ 5ha rau hữu cơ với 17 sản phẩm rau hữu cơ được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp thành phố và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Một mô hình điểm nữa trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất của Hà Nội là mô hình trồng lúa chất lượng cao tại HTX nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai).

Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên, HTX đã ứng dụng công nghệ vào quản lý, giám sát vùng sản xuất trên quy mô 20ha trồng lúa. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng, thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử Egap… Quy trình sản xuất lúa hữu cơ được camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh. Hiện nay, sản phẩm gạo của HTX đều được dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc và kết nối giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Đánh giá về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp Hà Nội hiện nay, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hà Nội xác định dựa trên nền tảng dữ liệu, tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản…; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các khâu trong quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Hiện toàn ngành có trên 900ha ứng dụng công nghệ số. Đây là diện tích đã được quy hoạch gọn vùng gọn thửa, thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm.

  Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau hữu cơ tại Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng).

Tiếp sức để tạo sức bật mạnh mẽ

Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, với nền nông nghiệp Thủ đô hiện nay, những nơi ứng dụng công nghệ số mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, do đó chưa tạo được sức bật lớn cho ngành bứt phá.

Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh chỉ rõ những hạn chế trong chuyển đổi số nông nghiệp hiện nay, đó là cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn nhiều hạn chế; cơ sở dữ liệu phục vụ nông nghiệp còn chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Mặt khác, chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp còn nhiều bất cập, khó tích hợp đồng bộ.

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong ứng dụng công nghệ số, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến Nguyễn Thị Huyền cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất cần phải có quy hoạch vùng, kế đó là tập huấn kiến thức cho người sản xuất.

“Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất đã bắt đầu có những thuận lợi, tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ, quảng bá sản phẩm vẫn đang là điều khó khăn với nông dân, xã viên bởi nhiều người thiếu kiến thức về công nghệ và máy móc” Giám đốc Nguyễn Thị Huyền cho biết. 

Thực tế, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, khi thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, huyện yêu cầu các xã ứng dụng công nghệ số, định vị điểm soát xuất, thiết lập hồ sơ về chất lượng nguồn đất, nước và những tác động môi trường khi sản xuất để hình thành bộ dữ liệu vùng phục vụ cho việc ứng dụng các mô hình sản xuất công nghệ cao.

Đồng thời, đối với định hướng phát triển các sản phẩm OCOP – Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện yêu cầu các sản phẩm tham gia xếp hạng, đánh giá phải có nguồn gốc rõ ràng, có dữ liệu quản lý điện tử, có tem nhãn phục vụ truy xuất nguồn gốc để kết nối trên các sàn thương mại điện tử.

Về phía ngành Nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở sẽ bám sát những văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu vùng sản xuất; cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng. Đồng thời, Sở sẽ cùng các địa phương, đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức – kết hợp cả hình thức trực tuyến và trực tiếp – để đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua những sàn giao dịch như Voso, Sendo… Đặc biệt, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển các chuỗi sản xuất gắn với công nghệ số. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hướng đến mục tiêu tạo mối liên kết giữa các thành phần của hệ sinh thái nông nghiệp một cách tự nhiên theo chuỗi giá trị; kết nối người dân, doanh nghiệp và thị trường; kết nối người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường. Giải quyết bài toán chuyển đổi số cũng chính là giải quyết bài toán về kết nối giữa các thành phần kinh tế từ sản xuất đến tiêu thụ.

 

Theo Đỗ Minh, báo Hà Nội Mới

Sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ: Một nhu cầu cấp thiết

Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ nhằm hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

                   Các đại biểu tham quan triển lãm gian hàng trưng bày sản phẩm khoa học, công nghệ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tháng 10-2023.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Luật Khoa học và Công nghệ ra đời từ năm 2000, được sửa đổi vào năm 2013, phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ. Hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp nâng cao chất lượng tăng trưởng; các quy định về tổ chức khoa học và công nghệ, trọng dụng, sử dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hoàn thiện; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hội nhập quốc tế…

Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật còn gặp những khó khăn, vướng mắc do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp với quy định của các luật liên quan, dẫn đến chưa thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ với vai trò là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Cho đến nay, khoa học Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, chưa giải quyết được triệt để ở nhiều khía cạnh của quá trình quản lý, nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu: Chưa thu hút được vốn xã hội và tư nhân đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), vẫn tồn tại những rắc rối, nhiêu khê trong thủ tục giấy tờ ở các dự án nghiên cứu do Nhà nước tài trợ, chưa khuyến khích được chuyển giao công nghệ từ trường, viện cho doanh nghiệp, chưa có nhiều công ty spin-off, startup trên nền tảng công nghệ từ trường, viện, chưa có nhiều nhà khoa học được hưởng chế độ đãi ngộ và khuyến khích làm việc từ Nhà nước; còn thiếu quy định về đạo đức trong nghiên cứu, rủi ro trong nghiên cứu… Đồng thời, Luật Khoa học và Công nghệ cũng chưa có quy định liên quan đến quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban soạn thảo dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ 2013 chỉ rõ, một số vấn đề quan trọng mà Luật 2013 đã giải quyết được như khuyến khích thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, định hướng xây dựng các tổ chức khoa học và công nghệ tầm quốc gia, mở rộng hợp tác quốc tế, bảo đảm sự đầu tư từ ngân sách nhà nước và thu hút nguồn đầu tư từ bên ngoài… Tuy nhiên, đây vẫn là các quy định chung, Việt Nam thực sự mới bắt đầu bước vào kinh tế thị trường nên thiếu kinh nghiệm, chưa có các chính sách cụ thể, vì thế không thực hiện được hoặc thực hiện không tốt. Vì vậy, Luật Khoa học và Công nghệ cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong gần 10 năm thi hành cũng như những bất cập nảy sinh giữa quy định của Luật Khoa học và Công nghệ với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành gần đây.

Từ đó, hoàn thiện thể chế theo hướng thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các quy định về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, có 6 nhóm chính sách được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm: Hoàn thiện quy định thành lập và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cường quản lý và nâng cao vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ; hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; bổ sung quy định về chức danh công nghệ và các chính sách ưu đãi; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ khoa học và công nghệ; sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện quy định hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

 

Theo Trần Nhân, báo Hà Nội Mới

 

Nâng tầm trà chùm ngây Hồng Vân

Trà chùm ngây hữu cơ là một trong những sản phẩm tiêu biểu, sản xuất theo chuỗi với công nghệ hiện đại của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín).

Đây cũng là sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội.

Khách hàng lựa chọn trà chùm ngây – sản phẩm OCOP 4 sao của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ảnh: Đỗ Tâm

Năm 2018, xã Hồng Vân đã trở thành “Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh” thành phố Hà Nội. Nhằm tăng cường thêm các sản phẩm du lịch chào đón du khách khi đến thăm Hồng Vân, Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất trà chùm ngây theo công nghệ hiện đại – sản phẩm trà hữu cơ tốt cho sức khỏe.

Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân Nguyễn Văn Tứ cho biết, Hồng Vân có hơn 5ha vùng nguyên liệu chùm ngây. Các vườn trồng chùm ngây làm nguyên liệu chế biến trà đều phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng hữu cơ. Theo đó, các hộ phải thường xuyên cải tạo đất, trồng đúng mật độ, ngắt ngọn, tỉa lá để cây không bị gãy khi có gió, bão mạnh. Chùm ngây là cây dễ trồng, ít sâu hại và ưa môi trường sống sạch. Vì vậy, chỉ cần tưới nước sạch và bón phân hữu cơ bảo đảm 90% cây sống và phát triển đến khi thu hoạch. Chùm ngây sau khi thu hoạch làm trà phải được cắt cả cành bằng tay, lấy lá và cành sấy khô, nghiền nhỏ làm trà túi lọc. Quá trình sản xuất, hợp tác xã không sử dụng chất bảo quản, bảo đảm các quy trình về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thành viên Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, chùm ngây là cây thân gỗ, dễ trồng, dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên, ưa đất bãi phù sa bồi ven sông. Mỗi năm, chùm ngây cho thu hoạch 3 lứa, 3 tháng/lứa (trừ 3 tháng mùa đông). “Nếu chỉ trồng để làm rau phục vụ bữa ăn hằng ngày thì hàng chục năm mới phải thay cây 1 lần. Còn thu hái quanh năm để sản xuất trà, khoảng 3 năm phải thay cây. Cành lá tươi vào mùa hè có giá 8.000 đồng/kg; mùa đông 13.000-15.000 đồng/kg. Ngoài bán nguyên liệu cho hợp tác xã chế biến trà, gia đình cũng bán lá cho khách hàng để làm bột cho trẻ hoặc nấu cháo dinh dưỡng”, bà Loan chia sẻ.

Các sản phẩm từ cây chùm ngây của hợp tác xã khá đa dạng, gồm: Trà chùm ngây, bột chùm ngây, rễ chùm ngây, thân, rau chùm ngây, cây giống, hạt giống… Hiện tại, 1 hộp trà chùm ngây trọng lượng 200g có giá bán 60.000 đồng/hộp; 24 hộp đóng thành 1 thùng. Bình quân một tháng, hợp tác xã xuất bán hơn 100 thùng.

Không chỉ chú trọng vào sản xuất sản phẩm, hợp tác xã còn quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường. Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân Nguyễn Văn Tứ chia sẻ, quá trình chế biến trà chùm ngây phải cần một lượng nước để thực hiện các công đoạn sơ chế, vệ sinh máy móc, nông cụ…, nên việc xả thải ra môi trường là điều khó tránh khỏi. Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Nước trong quá trình sản xuất được thu gom theo đường ống, sau đó đi qua các bể lắng lọc nên khử được mùi và bảo đảm các điều kiện trước khi xả ra môi trường. Chính vì vậy, ở Hồng Vân không có tình trạng nước sản xuất tràn ra mặt đường hay cống thoát nước bị ứ đọng, ô nhiễm.

Đánh giá về sản phẩm trà chùm ngây của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho rằng, chùm ngây là loại thảo dược giàu chất dinh dưỡng và an toàn với sức khỏe con người. Trong cây chùm ngây chứa đến 46 loại chất chống ô xy hóa, đặc biệt là giàu vitamin A và C. Đồng thời, chùm ngây chứa tới 18 axit amin thiết yếu. Do vậy, loài cây này được coi là nguồn protein “hoàn hảo” và là loại cây rất quý trong thế giới thực vật. Việc trồng, chế biến các sản phẩm trà chùm ngây hữu cơ theo chuỗi khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với vùng đất bãi tại Hồng Vân. Với tính ưu việt như trên, năm 2019, sản phẩm trà chùm ngây hữu cơ của hợp tác xã đạt chứng nhận 4 sao OCOP.

Việc phát triển các sản phẩm nông sản của địa phương kết hợp du lịch sinh thái đã và đang giúp Hồng Vân trở thành điểm sáng của thành phố Hà Nội về du lịch nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp xanh. Với sản phẩm đa dạng, được chứng nhận OCOP sẽ mở ra nhiều tiềm năng hơn nữa cho Hồng Vân trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, giàu bản sắc, vững kinh tế… và trở thành miền quê xanh, đáng sống của Thủ đô.

 

Theo Đỗ Minh – Báo Hà Nội Mới

“Mở lối” tiếp cận vốn cho hợp tác xã

Do nhiều nguyên nhân, thời gian qua, các hợp tác xã của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Do đó, thời gian tới, các ngành, cơ quan liên quan sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã tăng khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng.

Sơ chế rau tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh:­ Minh Phúc

Mới có 0,5% số hợp tác xã được vay vốn ngân hàng

Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Mạnh, mặc dù mỗi tháng hợp tác xã cung ứng hàng chục tấn rau an toàn ra thị trường, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay của đơn vị đang rất khó khăn. Nguyên nhân là do hợp tác xã chưa được cấp đất, chưa có tài sản bảo đảm nên ngân hàng từ chối cho vay vốn.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh thương mại tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức) Nguyễn Phi Đức thông tin, hạn chế lớn nhất của hợp tác xã khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng là không có tài sản bảo đảm. Hiện tại, hợp tác xã chủ yếu vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, nhưng chỉ được vay tối đa vài chục triệu đồng, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, hiện các hợp tác xã chủ yếu tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Mỗi năm, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội hỗ trợ cho hơn 200 dự án, với số vốn khoảng 100 tỷ đồng. Một con số quá nhỏ so với nhu cầu của hàng nghìn hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô. Trong khi đó, có rất ít hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, do không có tài sản bảo đảm. Qua rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong số hơn 1.000 hợp tác xã đang hoạt động, số hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không nhiều.

Đáng chú ý, theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện có khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và chỉ có 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) Lê Hồng Phúc cho hay, mặc dù đơn vị đã có nhiều phương án cấp tín dụng, song việc cho vay đối với các hợp tác xã vẫn gặp nhiều khó khăn. Do hệ thống báo cáo tài chính của hợp tác xã chưa bài bản, minh bạch, hoàn thiện…, ảnh hưởng không nhỏ tới việc cấp tín dụng.

Gỡ khó để tăng khả năng hấp thụ vốn

Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của các hợp tác xã, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã thành phố sẽ tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý, thành viên làm công tác chuyên môn, kỹ thuật của hợp tác xã các chuyên đề: Tìm hiểu về cách thức và quy trình vay vốn ngân hàng; các kiến thức cơ bản trong vay vốn ngân hàng cho hợp tác xã…

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Tuấn Khanh, để các hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng thương mại có thể cho tín chấp bằng các dự án hoặc tài sản sẵn có, thay vì phải tín chấp bằng tài sản cá nhân. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn, có giải pháp hỗ trợ hợp tác xã về thủ tục hồ sơ; định hướng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, đường hướng hoạt động; hỗ trợ hạ tầng, công nghệ, xúc tiến thương mại sản phẩm. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngân hàng trong hoạt động thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách liên quan đến khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; công tác xử lý tài sản bảo đảm, nợ xấu…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho rằng, muốn tiếp cận vốn ngân hàng, các hợp tác xã phải tự nâng cao “chỉ số năng lực” bằng cách vươn lên đổi mới, sáng tạo trong quản trị điều hành. Cùng với đó, các thành viên cần chủ động góp vốn, xây dựng và triển khai phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tiễn, chuẩn hóa sản phẩm gắn với xúc tiến thương mại, mở rộng quy mô, gia tăng nguồn thu. Các hợp tác xã cũng cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các cơ chế, chính sách có liên quan, chủ động trong quan hệ giao dịch với các ngân hàng…

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Hà Thu Giang thông tin, nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho hợp tác xã, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm tăng khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời bản thân các hợp tác xã cũng phải chủ động khắc phục các hạn chế như quy mô, năng lực cạnh tranh, công tác quản trị…, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng doanh số cho vay”, bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.

Bạch Thanh/ Hà Nội Mới

Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu được 74.744 tấn quế, với 220,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng nhưng giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Người dân Văn Yên phơi quế.
Sáng 15/11, tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD), Tổ chức IDH và Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia Phát triển bền vững ngành quế Việt Nam. Tại đây cũng đã ra mắt Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) về hồ tiêu và gia vị, Tiểu ban ngành hàng quế.
Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng đầu thế giới. Với diện tích khoảng 180.000ha, chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ… Năm 2022, quế Việt Nam chiếm 18,2% về sản lượng nhưng chiếm 34,4% về thị phần xuất khẩu quế toàn cầu. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu được 74.744 tấn quế, với 220,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng nhưng giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu quế trung bình 10 tháng đạt 2.948 USD/tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam là Ấn Độ, chiếm 43,9% thị phần, tiếp đến là Mỹ, Bangladesh…
Cây quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.
*** Tại Văn Yên (Yên Bái), bình quân mỗi năm huyện xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, tận thu trên 65.000 tấn cành lá quế và hơn 50.000m3 gỗ quế, chưng cất tinh dầu quế đạt 300 tấn. Tổng doanh thu thu sản phẩm quế đạt trên 800 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Sản phẩm quế Văn Yên chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, châu Âu. Hiện các doanh nghiệp như Công ty Hương gia vị Sơn Hà, Olam Việt Nam, Vicimex… đã cùng người dân hình thành và mở rộng vùng trồng quế hữu cơ.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Văn Yên, diện tích quế hữu cơ của toàn huyện đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ đến hết năm 2022 là 5.700ha, trong năm 2023 đã cấp chứng nhận hữu cơ cho gần 1.600ha. Hiện nay, huyện đã thực hiện được 4 chuỗi quế, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ diện tích quế hữu cơ đến hết năm 2023 đạt trên 15.000ha.
Theo Báo Yên Bái

Chủ tịch Quốc hội: Nâng cao chất lượng các hợp tác xã nông nghiệp

Cần triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023, thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển, nâng cao chất lượng hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.
Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi nói về lĩnh vực kinh tế ngành khi phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/11.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh cần rà soát, sửa đổi bộ tiêu chí về nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 bảo đảm phù hợp với từng địa phương, vùng, miền; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ sau khi được công nhận xã nông thôn mới.
Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
                                              Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Quochoi.vn).

 

Trong năm 2024, hoàn thành rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Giải quyết triệt để việc chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng; nghiên cứu nâng định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phù hợp với thực tiễn và điều kiện ngân sách; phát huy giá trị đa dịch vụ hệ sinh thái rừng, tạo việc làm, sinh kế dưới tán rừng.
Sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai bảo đảm phù hợp với tập quán, văn hóa và sinh kế cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Còn 310 đại biểu chưa được chất vấn và 15 đại biểu đăng ký nhưng chưa được tranh luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất các đại biểu Quốc hội gửi văn bản đến Thủ tướng và các thành viên có liên quan để được trả lời trực tiếp bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, 10 Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực theo sáng kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.
Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục, trong đó có các giải pháp kèm lộ trình cụ thể.
Theo PHẠM DUY/ VTC

Xây dựng mô hình cải tạo đất cho vùng trồng dược liệu theo hướng hữu cơ tại HTX Nông dược Nam Châu

Thế giới có hơn 35.000 loài thực vật được dùng làm thuốc, trong đó, khoảng 2.500 cây thuốc đã được thương mại hoá trên thị trường. Có ít nhất 2.000 cây thuốc được sử dụng ở Châu Âu, nhiều nhất ở Đức 1543. Ở Châu Á, các cây dược liệu có nhiều nhất ở Trung quốc với 5000 loài, tiếp đến là ấn độ với 1700 loài. Ở Việt Nam, cây dược liệu có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước như: Hoà Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắc Nông…. Trong đó, Nghệ An là tỉnh được đánh giá là địa phương có nguồn dược liệu phong phú bậc nhất với gần 1000 loài cây dược liệu quý hiếm. Do vậy, phát triển dược liệu không chỉ mang tính chất bảo tồn nguồn gen nguyên liệu quý mà các dự án trồng dược liệu đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân trong vùng.

Cây Vằng sẻ trồng tại HTX Nông dược Nam Châu, Nghệ An

Trước những năm 2000, có đến 90% thảo dược thu hái từ tự nhiên. Hiện nay, do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, số lượng thu hái tự nhiên không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Mặt khác, có đến 50% các nguồn dược liệu tự nhiên bị khai thác kiệt quệ do không có kế hoạch tái tạo, đất bị bạc màu, chai cứng, thoái hoá…. Do vậy, nhiều nơi đã chuyển đổi diện tích canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp sang canh tác cây dược liệu. Chính vì vậy, diện tích canh tác không ngừng được gia tăng. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang canh tác cây dược liệu theo hướng hữu cơ cần phải có các biện pháp thải độc, cải tạo đất trồng để dư lượng phân hoá học, thuốc trừ sâu hoá học được loại bỏ ra khỏi đất. Thậm trí là cải tạo các vùng đất hoang hoá bạc màu thành các khu canh tác dược liệu cho năng suất cao. Tuỳ vào tính chất và mức độ thoái hoá của đất trồng, các biện pháp thường được áp dụng hiện nay bao gồm:

  • Che phủ cho đất: là biện pháp canh tác cần áp dụng ngay để có thể khôi phục lại nền đất đã bị thoái hóa, bạc màu. Nếu đất trồng không được che phủ, dưới tác động của nắng, mưa và gió khiến đất trở nên khô cằn, nén chặt, chai cứng, rửa trôi dinh dưỡng, hạn chế sự phát triển của các sinh vật trong đất.
  • Bổ sung hữu cơ: Có thể bổ sung 2 nguồn hữu cơ cho đất để cải tạo là phân hữu cơ và các vật chất hữu cơ. Các loại phân hữu cơ giúp cải tạo đất cực tốt như phân chuồng (phân bò, trâu), phân ủ từ rác nhà bếp,…Các loại vật chất hữu cơ nên bổ sung như phân xanh (dã quỳ, cỏ lào, bèo hoa dâu, lục bình,…) xác bã thực vật (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, vỏ hạt, thân ngô đậu,..). Các nguồn hữu cơ này sẽ giúp đất trồng tơi xốp, mềm mịn, phì nhiêu, giữ ẩm tốt. Cải thiện lại nền đất khô cứng, bạc màu, tạo cấu trúc đất thông thoáng.
  • Bổ sung vi sinh vật có lợi: Vi sinh vật là một phần cực kỳ quan trọng của đất trồng. Nếu đất trồng không có vi sinh vật và các sinh vật khác thì đó là một nền đất chết. Đất trồng chỉ được coi là một nền đất tốt, đất khỏe khi có sự phát triển của các sinh vật đất. Các vi sinh vật trong đất đóng vai trò quan trọng trong chu trình đất, giúp phân hủy các chất hữu cơ, chuyển hóa dinh dưỡng, cố định nitơ, cạnh tranh, đối kháng nấm bệnh để bảo vệ cây trồng.

Để đánh giá hiệu quả cải tạo đất của vi sinh vật, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, Công ty Cổ phần tập đoàn Bometa đã triển khai thực hiện mô hình cải tạo đất trồng bằng chế phẩm vi sinh vật tại vùng trồng dược liệu theo hướng hữu cơ của HTX Nông Dược Nam Châu, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Mô hình cải tạo đất trồng dược liệu được thực hiện tại Vùng trồng dược liệu theo hướng hữu cơ Vạn Lộc của HTX Nông dược Nam Châu, huyện Nam Đàn – nghệ An.

Để thực hiện mô hình, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cung cấp chế phẩm vi sinh bố trí cán bộ vào làm việc trực tiếp tại HTX với 2 lô thí nghiệm trên cây Vằng sẻ và cây Xạ đen với diện tích mỗi lô là 100 m2. Trong đó, có bố trí các ô thí nghiệm và ô đối chứng để kiểm chứng, đánh giá hiện quả của quy trình cải tạo chất lượng đất trồng bằng chế phẩm vi sinh vật.  Các ô thí nghiệm được bố trí trong cùng một thửa đảm bảo tính đồng đều về đặc điểm nông hoá, khí hậu và được chăm sóc với một chế độ như nhau trong suốt quá trình đánh giá.

Các chủng vi sinh hữu ích được đưa vào đất trồng theo hai cách:

  • Rắc trực liếp lên đất trồng
  • Dùng chế phẩm vi sinh ủ với chất thải hữu cơ của HTX, sau đó, sử dụng mùn compost để bón cho cây trồng.

Cả hai phương pháp này đều được thực hiện trực tiếp tại đất canh tác dược liệu của hợp tác xã với mục đích thực nghiệm, đánh giá hiệu quả của quy trình trước khi nhân rộng ra quy mô lớn hơn. Trong quá trình thực hiện, cán bộ của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường trực tiếp triển khai, lấy mẫu đất định kỳ và phân tích các chỉ tiêu: TN, TP, P2O5, K2O, OM, TOC, dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, mật độ vi sinh vật hữu ích…. để đánh giá tác động của vi sinh đến thành phần hoá sinh trong đất.

Một số hình ảnh triển khai tại HTX Nông Dược Nam Châu:

TS. Nguyễn Thị Hoà
Viện Khoa học, Công nghệ & Môi trường
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Gần 70% HTX mong muốn được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số

Theo kết quả khảo sát được Liên minh HTX tỉnh chia sẻ mới đây tại hội thảo Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vào tháng 10-2023, có 69,8% HTX được khảo sát mong muốn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số.

Ngoài ra, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh còn mong muốn được tư vấn, hỗ trợ về kế hoạch chuyển đổi số; được cung cấp các thông tin, kiến thức, tài liệu liên quan đến chuyển đổi số. Song song đó, nhiều HTX còn mong muốn tham gia các hội nghị, hội thảo liên kết với các đơn vị có liên quan thúc đẩy chuyển đổi số, tham gia các hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ về chuyển đổi số; mong muốn được hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn giao dịch điện tử…

Ra mắt Hợp Tác Xã Nhà Xanh Toàn cầu

Chiều ngày 4/11, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tổ chức lễ khai trương, ra mắt Hợp Tác Xã Nhà Xanh Toàn cầu.

Lễ khai trương và ký kết hợp đồng chiến lược

Tham dự lễ Khai trương và Ký kết hợp tác chiến lược có ông Phạm Công Bằng, Uỷ viên Thường vụ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tổng giám đốc Quỹ Phát triển Hợp tác xã Việt Nam; ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội cùng nhiều đại diện các đơn vị thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ …  

 

Hợp Tác Xã Nhà Xanh Toàn cầu được thành lập để quy tụ các nguồn lực xã hội, hợp tác tổ chức hoạt động dịch vụ về xúc tiến thương mại, đầu tư và dịch vụ khoa học công nghệ để phát triển kinh tế, liên kết hợp tác với các Tổ Hợp Tác, Hợp Tác Xã, Liên hiệp Hợp Tác Xã trong đầu tư sản xuất công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.

Tại buổi khai trương, lễ ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược giữa Hợp Tác Xã Nhà Xanh Toàn cầu với các đơn vị cũng được tiến hành.

Trong khuôn khổ của lễ khai trương, hợp tác xã ký kết hợp tác chiến lược cùng các đơn vị

 

 

 

Giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu

Quỹ Vision Zero Fund của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) và Diễn đàn Cà phê Toàn cầu hợp tác thúc đẩy an toàn và sức khỏe trong chuỗi cung ứng cà phê.

GCP và đối tác tham gia chiến dịch truyền thông #CoffeePeople.

Quỹ Vision Zero Fund (viết tắt VZF) của ILO và Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP) đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác nhằm thúc đẩy cải thiện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OSH) trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, giúp giảm thiểu rủi ro mà hàng triệu người sản xuất cà phê trên khắp thế giới phải đối mặt hàng ngày.

Thông qua quan hệ đối tác này, ILO VZF và GCP sẽ hợp tác để nâng cao nhận thức về các rủi ro và giải pháp thiết thực liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, đồng thời khuyến khích các bên liên quan ở cấp quốc gia và toàn cầu thúc đẩy, thực hành và đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh.

ILO VZF và GCP hỗ trợ nhau trong việc thúc đẩy các thực hành tốt tại nơi làm việc, có trách nhiệm và toàn diện trong ngành cà phê. Đó là lý do tại sao, vào Ngày Quốc tế Cà phê năm nay, VZF đã phát động chiến dịch #CoffeePeople và một thử thách trên mạng xã hội xoay quanh chủ đề “Thúc đẩy quyền có môi trường làm việc an toàn và lành mạnh trong chuỗi cung ứng cà phê”.

Chiến dịch đang diễn ra nhằm tìm kiếm sự tham gia trực tiếp của các nước sản xuất và tiêu thụ, các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực cà phê, các công ty cà phê và những người nổi tiếng.

Bà Gelkha Buitrago, Giám đốc Chương trình và Quan hệ đối tác doanh nghiệp của GCP, khẳng định rằng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong chuỗi giá trị cà phê là điều cần thiết để sản xuất cà phê bền vững.

Tầm quan trọng của an toàn vệ sinh lao động được phản ánh rõ nét trong khía cạnh xã hội của Bộ Quy tắc Tham chiếu về Cà phê bền vững (CSRC), cũng như quy định sắp tới của EU về Thẩm định chi tiết về tính bền vững của doanh nghiệp.

Bà cho biết thêm, mối quan hệ đối tác cũng sẽ giúp thúc đẩy Mục tiêu GCP tới năm 2030 về sự thay đổi mang tính chuyển đổi hướng tới sự thịnh vượng của hơn một triệu nông dân thông qua ngành cà phê bền vững và sẽ đóng góp cho công việc chiến lược của GCP thông qua mạng lưới các nền tảng bền vững về cà phê ở các nước sản xuất.

Bà Annette Pensel, Giám đốc Điều hành của Diễn đàn Cà phê Toàn cầu tham gia chiến dịch #CoffeePeople.

Giám đốc Chương trình Toàn cầu của ILO VZF, ông Ocert Dupper cho biết: “Việc ký kết quan hệ đối tác này là rất kịp thời vì quyền có một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh đã được ILO công nhận là nguyên tắc cơ bản và quyền lợi tại nơi làm việc vào năm ngoái”.

“Chúng tôi mong muốn được chia sẻ nghiên cứu, công cụ và bài học kinh nghiệm mà VZF đã tích lũy được sau 5 năm hoạt động về an toàn vệ sinh lao động trong chuỗi cung ứng cà phê. Để làm được điều này, chúng tôi đang thực hiện một chiến dịch truyền thông toàn cầu với sự hỗ trợ của các đối tác”, ông Ocert Dupper cho biết thêm.

Bằng cách phát triển mối quan hệ hợp tác này, GCP và Quỹ VZF của ILO đang xây dựng sự hợp tác thành công trước đó nhằm tăng cường an toàn vệ sinh lao động trong ngành cà phê của Việt Nam. Công việc này đã đóng góp vào một trong những chiến lược chính của Kế hoạch quốc gia GCP vì sự thịnh vượng của nông dân ở Việt Nam – nhằm thúc đẩy tính bền vững xã hội của sản xuất cà phê.

Với sự hỗ trợ của ILO VZF, GCP tại Việt Nam điều phối quá trình cập nhật Bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất cà phê chè bền vững (NSC Arabica), bộ tài liệu được tích hợp thông tin cập nhật về an toàn vệ sinh lao động.

NSC là các hướng dẫn cấp được chuẩn hóa về thực hành nông nghiệp tốt và bền vững trong canh tác cà phê được sử dụng bởi các dịch vụ khuyến nông khu vực nhà nước và tư nhân và đang được cập nhật để phù hợp hơn với bộ quy tắc CSRC (cập nhật năm 2021), ngôn ngữ chung của ngành nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng chung của nông dân, phúc lợi xã hội và bảo tồn thiên nhiên. NSC bối cảnh hóa bộ quy tắc cho ngành cà phê quốc gia và do đó là một công cụ quan trọng để thống nhất những yếu tố tạo nên sản xuất bền vững và xây dựng năng lực cho nông dân.

Kinh nghiệm từ sự hợp tác GCP và ILO VZF này sẽ được chia sẻ tới mạng lưới các đối tác và văn phòng đại diện GCP, bao gồm 10 quốc gia sản xuất cà phê quan trọng trên thế giới. Các ví dụ khác về nỗ lực của GCP nhằm thúc đẩy phúc lợi xã hội như một phần tích hợp của phát triển cà phê bền vững bao gồm Sáng kiến hành động tập thể GCP về phúc lợi xã hội ở Brazil, tập trung vào cải thiện điều kiện sống và làm việc của cộng đồng trồng cà phê.

Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP)

GCP là một hiệp hội thành viên gồm nhiều bên liên quan nhằm thúc đẩy tính bền vững của cà phê, hướng tới tầm nhìn về một ngành cà phê thịnh vượng, bền vững cho các thế hệ mai sau.

GCP cho phép các nhà sản xuất cà phê, đơn vị cung ứng, nhà rang xay, chính phủ và tổ chức phi chính phủ liên kết và nhân rộng các nỗ lực và đầu tư của họ, cùng nhau hành động về các ưu tiên địa phương và các vấn đề quan trọng, mở rộng các chương trình bền vững địa phương và phát triển thị trường cà phê bền vững toàn cầu trên toàn thế giới cà phê.

Thống nhất với niềm tin rằng tính bền vững của cà phê là trách nhiệm chung, các thành viên GCP và Mạng lưới đối tác và văn phòng đại diện tại các nước để đạt được sự thay đổi mang tính chuyển đổi về sự thịnh vượng cho một triệu nông dân trồng cà phê vào năm 2030. Truy cập website của GCP để biết thêm thông tin: https://www.globalcoffeeplatform.org/.

Quỹ Vision Zero Fund của ILO

Quỹ Vision Zero Fund của ILO dựa trên mô hình hành động tập thể huy động nhiều bên liên quan, bao gồm cả doanh nghiệp toàn cầu, để phát triển và thực hiện các giải pháp chung nhằm giải quyết các thách thức đặc hữu về an toàn và sức khỏe trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quỹ hoạt động tích cực trong chuỗi cung ứng nông nghiệp, xây dựng và dệt may và hiện đang thực hiện các dự án tại 8 quốc gia trên 3 châu lục. Quỹ Vision Zero Fund là một phần không thể thiếu trong Chương trình trọng điểm An toàn và Sức khỏe cho Tất cả của ILO nhằm mục đích cải thiện sức khỏe và sự an toàn của tất cả người lao động trên toàn thế giới. Đây là sáng kiến của G7 và đã được G20 xác nhận. Thông tin về VZF có tại www.ilo.org/vzf/

Quỹ Vision Zero Fund là một phần của An toàn & Sức khỏe cho Tất cả, một chương trình hàng đầu của ILO xây dựng văn hóa làm việc an toàn, lành mạnh. Chương trình này được tài trợ bởi Liên minh châu Âu. Để tìm hiểu thêm, hãy liên hệ với chúng tôi tại vzf@ilo.org.

Nguồn: vca.org.vn