Cần hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể toàn diện |
Chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ
Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 30.000 HTX, 125 liên hiệp HTX và 71.000 tổ hợp tác. Các loại hình kinh tế tập thể đã và đang sản xuất khối lượng sản phẩm hàng hóa rất lớn, không chỉ tạo ra giá trị về kinh tế, mà còn bảo đảm đời sống, là chỗ dựa, đòn bẩy phát triển kinh tế hộ gia đình cho hàng triệu nông dân.
Tuy nhiên việc chuyển đổi số vẫn còn chậm và nhỏ lẻ. Đến nay, trong số 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Các HTX này cũng chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng.
Hà Nội những năm gần đây chính quyền đang rất chú trọng việc chuyển đổi số cho các chủ DN, các HTX vừa và nhỏ. Tạo dựng được thương hiệu tốt tìm được hướng đi ổn định cho sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu, hoặc tổ chức tốt nhiều loại hình dịch vụ công ích phục vụ thành viên. Nhưng cũng chỉ được một số địa phương chủ động thực hiện như: Xã Đại Áng (huyện Thanh Trì).
Chủ tịch UBND xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thanh Toàn cho biết, trước tình hình một số diện tích ao đầm, ruộng đồng của địa phương bỏ không. Từ năm 2018, chính quyền xã Đại Áng đã làm đầu mối trung gian, vận động các hộ dân ký kết hợp đồng cho thuê hơn 10ha đất. Sau đó, diện tích này được giao lại cho HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao”.
GĐ HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng Cao Đình Thanh Hải cho rằng, có được kết quả như hôm nay là nhờ việc đồng hành, tạo điều kiện về chính sách đất đai của chính quyền địa phương. Sau hơn 5 năm, HTX đã đầu tư thêm cả khu sơ chế, bảo quản gồm hai dây chuyền, có thể giải quyết được 10 tấn nguyên liệu mỗi ngày và trung bình mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường khoảng 250 tấn thủy sản các loại.
HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là đơn vị đi đầu của TP Hà Nội trong đổi mới sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng công nghệ số. GĐ HTX Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám thông tin, từ năm 2016, HTX đã thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ. Trong sản xuất, HTX ứng dụng công nghệ cảnh báo thời tiết iMetos, giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. HTX cũng đã quản lý điện tử trong thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng. Năm 2021, HTX tiếp tục thí điểm hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, với 15 sản phẩm rau được số hóa, kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, chuyển đổi số là yếu tố then chốt để các HTX phát triển theo kịp xu hướng của xã hội, bắt nhịp thị trường. Đây cũng là đòn bẩy để các HTX phát huy nguồn lực kinh tế tập thể, xây dựng nông dân công nghệ số, tạo nguồn lực kinh tế khu vực nông thôn, chủ động thích ứng với những biến động về thị trường, dịch bệnh…
Tuy nhiên việc chuyển đổi số ở các HTX này cũng chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng…
Để tháo gỡ khó khăn cho HTX phát triển, điều quan trọng là bản thân các HTX phải chủ động, tích cực tham gia công tác chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số, giúp tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tạo lập môi trường phát triển bền vững
Kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao; mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp với xu thế phát triển; nguồn lực tài chính và trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế nêu trên là chuyển đổi số còn chậm, thiếu tính chiến lược, hành động cụ thể. Do đó, khu vực kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thực hiện chuyển đổi số, để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích nghi với tình hình phát triển mới.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, GĐ Trung tâm VESS, để thúc đẩy HTX phát triển, cần có hệ thống ngân hàng cho riêng HTX. Hệ thống ngân hàng có thể cho HTX, thành viên HTX vay những khoản nhỏ, để có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Một đặc thù cần lưu ý nữa là vấn đề kiểm toán trong nội bộ các HTX hiện nay đang dần giúp các HTX minh bạch về tài chính. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kiểm toán HTX khác với kiểm toán trong DN, do đó phải có kiểm toán viên riêng cho HTX. Đặc biệt, đối với Hà Nội, cần tận dụng lợi thế là Thủ đô, có thị trường tiêu thụ tốt, nơi tập hợp được nhiều nhân lực chất lượng cao.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển. Do đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp để cơ cấu, củng cố, xây dựng HTX cho phù hợp với vùng sinh thái nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư cho nông nghiệp, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh. TP cũng tiếp tục có chính sách giải quyết khó khăn về đất đai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất cho các tổ chức kinh tế tập thể; đồng thời, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ để tạo lập môi trường cho HTX phát triển bền vững.
Nguồn: phapluatxahoi.vn