Author Archives: Q.Anh

Hợp tác xã vẫn ‘loay hoay’ tìm lời giải bài toán nhân lực chất lượng cao

Một trong những thách thức lớn nhất mà các HTX đang phải đối mặt chính là bài toán thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt quyết định đến khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của mô hình kinh tế đặc thù này.

Tại Hội thảo “Đổi mới hoạt động của Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX” diễn ra ngày 24/4, anh Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Đông, Tiền Giang cho rằng, câu chuyện giữ chân, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn đang là bài toán nan giải mà nhiều HTX vẫn đang loay hoay tìm cách giải.

Đãi ngộ thấp khó thu hút và giữ chân nhân tài 

Với 10 thành viên và lao động, bộ máy quản lý của HTX Tân Hòa Đông bao gồm 2 người có trình độ đại học và 1 người là nông dân. Mức lương chi trả cho cán bộ có trình độ đại học là 6 triệu đồng/người/tháng, trong khi người lao động là nông dân nhận 5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù đang ấp ủ kế hoạch mở rộng sản xuất và rất cần nguồn nhân lực có chuyên môn cao, nhưng với mức đãi ngộ hiện tại, HTX Tân Hòa Đông nhận thức rõ sự khó khăn trong việc thu hút và giữ chân những người có năng lực thực sự.

Anh Thành thẳng thắn chia sẻ: “Với mức lương 6 triệu đồng/tháng, rất khó để đảm bảo cuộc sống và kỳ vọng những người có trình độ gắn bó lâu dài. Hiện tại, các thành viên và lãnh đạo HTX làm việc chủ yếu dựa vào tâm huyết”.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, ông Đinh Hồng Thái, đã nhìn nhận sâu sắc vấn đề này từ góc độ hệ thống. Ông nhấn mạnh rằng, trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc chỉ dựa vào “tâm huyết đơn thuần” sẽ là rào cản lớn khiến các HTX khó có thể chiêu mộ được nhân tài.

Thực tế cho thấy, hạn chế về cơ chế đãi ngộ và phúc lợi đang là “nút thắt” trong bài toán nhân lực của các HTX. So với các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, mức lương, thưởng, bảo hiểm, phụ cấp, cơ hội đào tạo và thăng tiến mà HTX có thể cung cấp thường thấp hơn đáng kể. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm tiềm lực tài chính còn hạn chế, cơ cấu quản lý phức tạp với sự tham gia của thành viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và đôi khi là những khó khăn trong việc tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ một cách chưa hiệu quả.

Một số HTX thủ công mỹ nghệ với công nghệ sản xuất và quản lý vẫn còn lạc hậu, khiến các kỹ sư và nhà thiết kế trẻ không nhìn thấy cơ hội để phát huy năng lực và đóng góp vào sự phát triển của HTX.

Không chỉ riêng HTX Tân Hòa Đông, khảo sát thực tế cho thấy, ngay cả những HTX hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển, mức lương cao nhất cho cán bộ quản lý có trình độ đại học thường chỉ dao động từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực sẵn sàng trả gấp đôi, thậm chí gấp ba cho các vị trí tương đương. Sự chênh lệch đáng kể này đã tạo ra một “lực hút” mạnh mẽ đối với những người trẻ có năng lực, khiến họ có xu hướng tìm kiếm cơ hội phát triển ở các doanh nghiệp khác.

Bên cạnh yếu tố thu nhập, môi trường làm việc tại nhiều HTX cũng chưa thực sự hấp dẫn đối với lực lượng lao động trẻ, năng động và có khát vọng phát triển. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, quy trình làm việc chưa được đổi mới sáng tạo, thiếu sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Tất cả những điều này đã tạo ra một rào cản vô hình, ngăn cản những kỹ sư, nhà thiết kế trẻ và những người có trình độ chuyên môn cao gia nhập và cống hiến cho HTX.

Thậm chí, một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, vẫn còn tồn tại những định kiến về HTX như là một mô hình kinh tế “cũ kỹ”, thiếu năng động và không có nhiều cơ hội phát triển. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý lựa chọn việc làm của những người có trình độ và kinh nghiệm.

Theo thống kê đến cuối năm 2024, tổng số cán bộ quản lý HTX ước đạt gần 127,4 nghìn người, tăng hơn 1.400 người, tương đương mức tăng 5,4% so với năm 2023. Trong số đó, số cán bộ quản lý có trình độ sơ, trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 46,6% (khoảng 59,4 nghìn người), trong khi số cán bộ quản lý có trình độ cao đẳng, đại học đạt hơn 31,47 nghìn người, tương đương 24,7% tổng số.

Những con số này cho thấy một tín hiệu tích cực về sự cải thiện trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa đồng bộ và toàn diện trong khu vực kinh tế tập thể, HTX. Vẫn còn tồn tại sự chênh lệch lớn giữa các HTX, đặc biệt là giữa các HTX ở khu vực đô thị và các HTX ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Nhiều HTX đã xây dựng được đội ngũ quản lý chất lượng cao, nhưng không ít HTX vẫn đang loay hoay trong việc thu hút nhân lực có trình độ.

Việc không thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ hạn chế khả năng mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và ứng dụng khoa học công nghệ, mà còn trực tiếp làm suy yếu năng lực cạnh tranh của HTX trên thị trường. Điều này trở nên đáng lo ngại trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, với cơ chế đãi ngộ hấp dẫn và môi trường làm việc chuyên nghiệp, đang “hút” phần lớn lực lượng lao động có trình độ và kinh nghiệm.

“Ươm mầm” HTX để hút nhân lực chất lượng cao

Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang tạo ra những hệ lụy tiêu cực đối với sự phát triển bền vững của các HTX. Khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng suất và đổi mới sáng tạo bị hạn chế. Khó khăn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao khả năng thích ứng với thị trường biến động cũng trở thành những thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và thương hiệu của HTX trên thị trường.

Để giải quyết bài toán nan giải này, theo các chuyên gia, trước hết, việc HTX chủ động rà soát và điều chỉnh mức lương, thưởng, phụ cấp và các chế độ phúc lợi khác để đảm bảo tính cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong khu vực và ngành nghề là vô cùng cần thiết. Ông Phạm Minh Sơn, Phó trưởng Ban Kiểm tra (Liên minh HTX Việt Nam), đã chỉ ra một điểm sáng trong chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đó là các địa phương đã có quy định hỗ trợ lương thưởng cho người có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại các HTX với mức tối thiểu gấp 1,5 lần so với quy định của Chính phủ. Đây là một nguồn lực quan trọng mà các HTX cần chủ động nắm bắt và tận dụng để thu hút nhân tài.

TS Trần Hùng Thuận, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng hoạt động của HTX để thay đổi cách nhìn nhận của xã hội, từ đó tạo sức hút đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh đa số HTX ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng và xây dựng niềm tin cho người dân, người lao động có năng lực là một yêu cầu cấp thiết.

So sánh với mô hình thành công tại Nhật Bản, nơi các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của HTX như dâu tây, táo có giá trị kinh tế vượt trội và luôn trong tình trạng thiếu hàng, TS Trần Hùng Thuận cho rằng Việt Nam với tiềm năng “rừng vàng biển bạc” vẫn chưa khai thác hiệu quả vai trò của HTX trong việc tạo ra giá trị gia tăng từ nông sản.

Để giải quyết vấn đề này và thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiệu quả trong HTX, việc xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) về nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy, ngay cả trong lĩnh vực dược liệu đầy tiềm năng, số liệu thống kê vẫn còn hạn chế, gây khó khăn cho các HTX trong việc xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường.

“Nếu tình trạng thiếu dữ liệu vẫn tiếp diễn, sẽ trở thành một khoảng trống lớn cho sản xuất kinh doanh và gây khó khăn cho HTX,” TS Trần Hùng Thuận cảnh báo.

Đồng quan điểm về sự cần thiết của các giải pháp hỗ trợ từ bên ngoài, anh Nguyễn Ngọc Thành ví HTX như những “hạt giống đang ươm mầm”. Để những “hạt giống” này có thể phát triển mạnh mẽ và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, việc hỗ trợ về vốn tín dụng, đất đai và các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn là vô cùng quan trọng.

Bởi khi các HTX có đủ năng lực tài chính và điều kiện thuận lợi để phát triển các dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường và hoạt động hiệu quả, họ sẽ có khả năng chi trả mức lương cạnh tranh và xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, từ đó giải quyết được bài toán nhân lực chất lượng cao, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn

Hội nghị về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Lạng Sơn: Cơ hội và thách thức cho HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Vừa qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức hội nghị về giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Sự kiện được tổ chức nhằm hỗ trợ các HTX trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Lạng Sơn. 

Đồng chí Liễu Xuân Du – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các sở ngành và các HTX tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các đại biểu đã cùng trao đổi và thảo luận sâu sắc về những cơ hội, thách thức trong việc triển khai công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với HTX. Đặc biệt, hội nghị nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm cho các HTX.

Các vấn đề thực tiễn và các giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả chuyển đổi số đã được trình bày, bao gồm cách tiếp cận công nghệ phù hợp, kết nối các nguồn lực hỗ trợ và tận dụng cơ hội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Đại diện ban tổ chức nhấn mạnh: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu đối với các HTX. Đây là giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chuỗi giá trị sản phẩm và đưa các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số hòa nhập hiệu quả vào thị trường trong nước và quốc tế.”

Đồng chí Lê Tuấn An – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường phát biểu tại hội nghị

Hội nghị đã tạo ra diễn đàn hữu ích để các HTX trên địa bàn tỉnh chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi mô hình thành công và cùng xây dựng các giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của HTX trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi Lạng Sơn.

Chợ sản phẩm trực tuyến VCAMART: Cơ hội nào cho các hợp tác xã dân tộc miền núi trong thời đại công nghệ số?

Trong thời đại hiện này, việc chuyển đổi số đang là xu thế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt trong số đó, thương mại điện tử không chỉ là công cụ thúc đẩy kinh tế mà nó còn là thứ “vũ khí” lợi hại để quảng bá các sản phẩm. Chợ sản phẩm trực tuyến ( VCAMart ) do Liên minh hợp tác xã Việt Nam phát triển đã mở ra cánh cửa mới, giúp kết nối người mua, người bán và tạo điều kiện cho bà con trên các vùng miền có điều kiện quảng bá, tiêu thụ các đặc sản, sản phẩm địa phương một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Mở đầu thời đại số- chìa khóa giải quyết bài toán kinh tế hiện đại cho người dân vùng cao.

Ngày 17/4, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường ( Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) tổ chức tập huấn chuyên sâu về vận hành chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (vcamart.vn/ vcamart.com/ vcammart.com.vn) cho cán bộ HTX, Liên minh HTX các tỉnh thành, giúp các đơn vị vận hành hiệu quả, chuyên nghiệp hơn trong môi trường kinh doanh số.

Tham gia chỉ đạo Chương trình tập huấn có đồng chí Đinh Hồng Thái, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; đồng chí Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Phát triển KTHT, Ban lãnh đạo Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, các lãnh đạo các ban/ đơn vị theo hình thức trực tiếp. Chương trình tập huấn còn được thực hiện dưới hình thức trực tuyến tại 75 điểm cầu tới hệ thống Liên minh HTX các tỉnh/thành phố trên cả nước.

Đồng chí Đinh Hồng Thái, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu chỉ đạo Chương trình tập huấn

“Thực tế, nhiều HTX – đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi – vẫn gặp không ít trở ngại khi tham gia môi trường số. Rào cản lớn đến từ việc sản phẩm không đồng bộ do thiếu nhất quán trong sản xuất, hạn chế về vốn và kỹ năng ứng dụng công nghệ, bán hàng, tiếp thị của thành viên chỉ ở mức trung bình. Trước bối cảnh đó, sự ra đời của chợ thương mại điện tử VCAMart do Liên minh HTX Việt Nam vận hành được kỳ vọng là lời giải cho bài toán “cạnh tranh công bằng” đối với HTX. VCAMart hoạt động theo nguyên tắc “ba không”: không thu phí giao dịch, không thu phí hoa hồng và không áp đặt rào cản công nghệ. Với hai phiên bản linh hoạt – trên máy tính và ứng dụng di động – VCAMart tạo điều kiện tối đa để HTX tiếp cận khách hàng, mở rộng kênh tiêu thụ và khẳng định thương hiệu trong thời đại số”- ông Trịnh Anh Tuấn chia sẻ.

VCAMART đồng hành cùng bà con dân tộc thiểu số.

Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, nhiều sàn lớn như Lazada, Shopee, Tiki… đã đồng loạt tăng các loại phí – từ phí cố định, phí hoa hồng cho đến phí vận chuyển. Điều này đang tạo áp lực tài chính không nhỏ cho người bán, đặc biệt là các HTX – vốn có quy mô nhỏ và nguồn lực hạn chế. Thống kê riêng quý I/2025 cho thấy, đã có tới 165.000 cửa hàng rời khỏi các nền tảng thương mại điện tử lớn, phản ánh rõ tính chất tiềm năng nhưng đầy khốc liệt của sân chơi này. Chính vì vậy, VCAMart như một cánh cửa mở ra cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời đại số hóa khốc liệt như hiện nay. Không chỉ miễn phí giao dịch, sàn còn tích hợp nhiều tính năng như thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối với các đơn vị vận chuyển và công cụ quản trị gian hàng.

Bên cạnh đó, “Chương trình tập huấn” vào ngày 17/4 vừa rồi của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (LM HTX Việt Nam), hướng dẫn tập trung vào giới thiệu khung tập huấn về thương mại điện tử và chợ sản phẩm trực tuyến, từ đó nâng cao kỹ năng quản trị, vận hành hệ thống. Không những vậy, chương trình hướng dẫn chi tiết cho người mua và người bán trên VCAMart: Đăng ký tài khoản, quản lý gian hàng, vận hành thanh toán và xử lý đơn hàng; Cung cấp công cụ hỗ trợ cán bộ quản lý như xem các loại báo cáo, thống kê, và tối ưu hóa hệ thống quản lý; Hướng dẫn vận hành cung cấp kiến thức cho người mua, người bán và cán bộ quản lý trong việc sử dụng nền tảng thương mại điện tử, từ đăng ký tài khoản, đăng sản phẩm, quản lý đơn hàng đến sử dụng báo cáo thống kê; Tạo cơ hội trao đổi giữa các giảng viên, đơn vị vận hành và học viên nhằm giải quyết các vấn đề thực tế khi vận hành chợ trực tuyến. Từ đó, giúp các đơn vị trong công tác tập huấn, tuyên truyền, tư vấn cho thành viên hợp tác xã và đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Hơn nữa xóa bỏ rào cản về khoảng cách và kết nối những sản phẩm nông, lâm, thổ sản độc đáo của các vùng miền tới người tiêu dùng trên cả nước.

Chợ sản phẩm trực tuyến VCAMART: Sân chơi cho các hợp tác xã dân tộc miền núi và thúc đẩy bình đẳng thương mại

Thương mại điện tử không chỉ là xu hướng mà còn trở thành công cụ hiệu quả để thúc đẩy kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi, thành viên khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chợ sản phẩm trực tuyến (VCAMART) do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát triển đã mở ra cánh cửa mới, giúp kết nối người mua và người bán, tạo điều kiện quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm địa phương, vùng miền một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Cơ hội thoát nghèo bền vững cho người dân vùng cao
Ngày 17/4, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) đã tổ chức thành công lớp tập huấn trực tiếp kết hợp trực tuyến về “Khung Chương trình tập huấn và Hướng dẫn quản trị, vận hành chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” (vcamart.vn/ vcamart.com.vn/ vcamart.com)” cho các ban/đơn vị và Liên minh HTX các tỉnh/thành phố trên cả nước.
Tham gia chỉ đạo Chương trình tập huấn có đồng chí Đinh Hồng Thái, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; đồng chí Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Phát triển KTHT, Ban lãnh đạo Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, các lãnh đạo các ban/ đơn vị theo hình thức trực tiếp. Chương trình tập huấn còn được thực hiện dưới hình thức trực tuyến tại 75 điểm cầu tới hệ thống Liên minh HTX các tỉnh/thành phố trên cả nước.

Đồng chí Đinh Hồng Thái, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu chỉ đạo Chương trình tập huấn

Phát biểu khai mạc tại Chương tình tập huấn, đồng chí Phó Chủ tịch Đinh Hồng Thái nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ giao cho Liên minh HTX Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện, do đó yêu cầu Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường là đơn vị được giao Chủ trì xây dựng và duy trì vận hành Chợ sản phẩm trực tuyến và các đơn vị được giao nhiệm vụ ttừ nguồn kinh phí thuộc tiểu dự án 2, dự án 10 Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi về tuyên truyền, truyền thông và tập huấn nâng cao năng lực và hướng dẫn quản trị, vận hành chợ sản phẩm trực tuyến cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện theo đúng mục tiêu của dự án và đảm bảo các tiêu chí về phát triển thành viên, tư vấn, hỗ trợ nâng cao nâng cao hiệu quả của chợ sản phẩm trực tuyến”.

Nâng cao kỹ năng số cho bà con dân tộc thiểu số
Chương trình tập huấn, hướng dẫn tập trung vào giới thiệu khung tập huấn về thương mại điện tử và chợ sản phẩm trực tuyến, từ đó nâng cao kỹ năng quản trị, vận hành hệ thống. Bên cạnh đó, hướng dẫn chi tiết cho người mua và người bán trên VCAMART: Đăng ký tài khoản, quản lý gian hàng, vận hành thanh toán và xử lý đơn hàng; Cung cấp công cụ hỗ trợ cán bộ quản lý như xem các loại báo cáo, thống kê, và tối ưu hóa hệ thống quản lý; Hướng dẫn vận hành cung cấp kiến thức cho người mua, người bán và cán bộ quản lý trong việc sử dụng nền tảng thương mại điện tử, từ đăng ký tài khoản, đăng sản phẩm, quản lý đơn hàng đến sử dụng báo cáo thống kê; Tạo cơ hội trao đổi giữa các giảng viên, đơn vị vận hành và học viên nhằm giải quyết các vấn đề thực tế khi vận hành chợ trực tuyến.

Chương trình không chỉ tạo cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa Viện KHCN và MT với các đơn vị trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam mà còn tạo động lực, thống nhất khung chương trình tập huấn giúp các đơn vị trong công tác tập huấn, tuyên truyền, tư vấn cho thành viên hợp tác xã và đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số. trang bị các kỹ năng về quản trị, vận hành nền tảng thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Thông qua chương trình tập huấn, thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử sẽ trở thành động lực mạnh mẽ giúp các HTX và đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn xa hơn trên con đường hội nhập kinh tế và qua đó kỳ vọng Chương trình là bước đi quan trọng để đưa các sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi, của các HTX đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

 

Đa dạng thị trường, giảm thiểu rủi ro xuất khẩu giữa bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, việc Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế. Để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự phát triển bền vững, Hợp tác xã, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm và khai thác các thị trường mới tiềm năng.

Theo các chuyên gia, Chính phủ Việt Nam và Mỹ đang thực hiện đàm phán để có những con số cụ thể về thuế quan xuất nhập khẩu giữa hai nước. Chính vì vậy, về trước mắt, cụ thể là ít nhất trong 3 tháng kể từ khi chính sách thuế có hiệu lực (nếu chính sách thuế của Mỹ được áp dụng) thì hàng hóa, xuất khẩu của HTX, doanh nghiệp Việt sang thị trường này mới chính thức bị ảnh hưởng, tác động.

Nước rút để tìm thị trường tiềm năng

Nhìn nhận trên thực tế có thể thấy, ngoài các mặt hàng như thủy sản, da giày, ngành gỗ, điện tử… thì một trong những mặt hàng được thị trường ưa chuộng mà Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ là nông sản, trái cây. Một số HTX đã và đang xuất khẩu nông sản, trái cây qua Mỹ như HTX Bà Ba Hội (Quảng Nam), HTX bưởi da xanh Bến Tre, HTX nhãn lồng Hồng Nam (Hưng Yên)…

Theo đánh giá chung của các HTX này, Mỹ là một thị trường quan trọng nhưng khó tính bậc nhất trên thế giới. Và trong quá trình xuất khẩu sang Mỹ, hàng hóa của Việt Nam nói chung, của các HTX nói riêng còn phải cạnh tranh với hàng hóa của một số nước trong khu vực là Thái Lan, Trung Quốc…

Ông Rocky Thạch Nguyễn, CEO Smart Link Logistics, cho biết nếu thị trường Mỹ áp dụng các quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch và chiếu xạ cho trái cây nhập khẩu. Các loại nông sản được xuất khẩu sang đây phải trải qua quá trình chiếu xạ để đảm bảo an toàn. HTX, doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký cơ sở sản xuất và đại diện tại Mỹ, đồng thời phải đăng ký lại sau mỗi 2 năm để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ.

Trong khi xét theo thực tế hiện nay, nhiều HTX, doanh nghiệp vẫn rất khó xuất khẩu, nhất là xuất khẩu lâu dài vào thị trường này vì có quy mô sản xuất nhỏ, vốn hẻo, khó đáp ứng số lượng lớn và yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt của thị trường Mỹ. Đi liền với đó là những khó khăn trong đóng gói, bao bì và quảng bá sản phẩm tại thị trường Mỹ khiến nông sản, trái cây của HTX, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó trên đất Mỹ.

Mỹ là thị trường rất “khó tính” nên việc đa dạng thị trường sẽ giúp nông sản Việt có nhiều cơ hội xuất khẩu. (Ảnh Mạnh Hòa).

Trong khi, để xuất khẩu một mặt hàng nông sản, trái cây sang Mỹ, cơ quan quản lý của Việt Nam phải đàm phán nhiều vòng và chấp nhận nhập khẩu trái cây của Mỹ, hoặc đánh đổi một lợi ích nào đó tương đương. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc cạnh tranh của các HTX, doanh nghiệp ngay tại thị trường nội địa.

Việc Tổng thống Trump đang đưa ra các chính sách mới về thuế quan cũng sẽ khiến việc xuất nhập khẩu nông sản, trái cây giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động. Do đó, giới chuyên gia cho rằng HTX, doanh nghiệp Việt chủ động tìm kiếm những thị trường mới, tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ cũng sẽ hạn chế được rủi ro trong quá trình xuất khẩu. Một trong những thị trường cần được quan tâm đó là châu Á, cụ thể là Trung Quốc. Dù có những thách thức cạnh tranh nhất định nhưng Trung Quốc vẫn được đánh giá là một thị trường khổng lồ với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa lớn và đa dạng. Các HTX, doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và hàng tiêu dùng.

Ngoài ra, ASEAN với dân số hơn 600 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng là một thị trường đầy tiềm năng. Các HTX, doanh nghiệp Việt Nam ngoài tăng cường xuất khẩu các sản phẩm dệt may, da giày, điện tử thì nông sản cũng là một mặt hàng tiềm năng.

Đi cùng với đó là Ấn Độ với 1,45 tỷ dân với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp. Đặc biệt là thời gian gần đây, nước này đang tăng nhu cầu nhập khẩu nông sản, trái cây nhiệt đới. Riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ đạt trên 9,06 tỷ USD cho thấy đây là một thị trường hết sức tiềm năng.

Và ngay trong khu vực châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là 2 thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các HTX, doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao, thủy sản và hàng tiêu dùng khi thị trường Mỹ có nhiều áp lực về thuế quan.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, chuyên gia về Xuất nhập khẩu, cho rằng ngay trong khu vực châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc là những nước đông dân trên thế giới nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nông sản là rất lớn. Và xét về điều kiện xuất khẩu so với Mỹ và châu Âu thì Ấn Độ và Trung Quốc có điều kiện nhập khẩu linh hoạt hơn, từ đó tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam trong quá trình tìm kiếm thị trường mới.

Ngoài ra, thị trường Trung Đông, cụ thể là các quốc gia GCC đang có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các sản phẩm thực phẩm, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng. Các quốc gia châu Phi cũng đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn về nông sản, hàng tiêu dùng. Trong khi các điều kiện về nhập khẩu hàng hóa của các nước ở những thị trường này không quá gắt gao. Ngay như gạo khi xuất khẩu vào châu Phi trong một số trường hợp không yêu cầu về các chứng nhận, không yêu cầu gạo cao cấp, chất lượng cao.

Một thị trường khác được giới chuyên gia hướng đến là châu Âu. Nhất là khi Hiệp định EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Do đó, HTX, doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế này để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, dệt may, da giày và điện tử.

Hay như Anh, sau Brexit, thị trường này đang tìm kiếm các đối tác thương mại mới. Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và hàng tiêu dùng sang thị trường này để hạn chế rủi ro thuế quan ở thị trường Mỹ.

Cơ hội để nâng cao chất lượng, hoàn thiện quy trình

Chuyên gia tư vấn doanh nghiệp Kelvin Lê Vũ, cho biết so với các ngành hàng khác thì nông sản ít bị tác động hơn. Nhưng nếu cảm thấy Mỹ với chính sách thuế quan nghiêm ngặt quá thì các HTX, doanh nghiệp Việt có thể quan tâm đến việc hoàn thiện các chứng nhận Halal để có thể xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo. Vì đây là thị trường khá tiềm năng đối với các nông sản, hàng hóa của Việt Nam.

Cũng cần nhìn nhận rằng chính sách thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng nhiều hoặc ít tùy vào từng ngành hàng. Nhưng đây cũng là cơ hội để các HTX, doanh nghiệp Việt hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng để đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất nhằm hạn chế rủi ro.

Ông Rocky Thạch Nguyễn, cho biết nếu như thị trường Châu Âu quan tâm nhiều hơn đến các mặt hàng hữu cơ thì thị trường Châu Á lại quan tâm đến nông sản như gạo. Do đó để mở rộng được thị trường, xuất khẩu thành công, các đơn vị cần xác định được thị trường mục tiêu, tìm hiểu các quốc gia có nhu cầu cao đối với sản phẩm nông sản, hàng hóa của mình.

Việc hiểu quy định pháp lý là điều cần thiết vì mỗi quốc gia, thị trường lại có tiêu chuẩn nhập khẩu riêng như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận hữu cơ, chứng nhận Halal…

Đi liền với đó, cần tìm cách để tối ưu hóa logistics và chi phí bằng cách lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp. Có thể, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển thường rẻ hơn nhưng thời gian lâu hơn, trong khi đường hàng không tốn ít thời gian hơn và phù hợp với sản phẩm tươi sống. Do đó, HTX, doanh nghiệp cần tính toán để có giá cạnh tranh trong xuất khẩu. Việc này buộc các đơn vị phải cân đối giữa chi phí sản xuất, vận chuyển và lợi nhuận để đưa ra mức giá hấp dẫn.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn

Tìm cách tháo gỡ khó khăn về sụt giảm số lượng lao động trong HTX

Sự sụt giảm số lượng lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao đang ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực kinh tế tập thể, HTX. Do đó, Hội nghị thường niên năm 2025 Tổ chức Hợp tác nông dân Châu Á (AFGC) tại Việt Nam diễn ra vào sáng ngày 25/3 nhằm tháo gỡ những khó khăn này.

Đảm bảo lực lượng lao động sẽ nâng cao hiệu quả của ngành nông nghiệp. Ảnh Mạnh Hòa

Giám đốc điều hành Liên hiệp Trung ương các HTX nông nghiệp Nhật Bản, ông Norikazu Toma, cho biết biến đổi khí hậu, sụt giảm nông sản, biến động giá cả nông sản…đặt nhiều thách thức cho những người nông dân, HTX nông nghiệp. Đặc biệt, giá phân bón, giống, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thời gian gần đây đang tăng lên, đặt ra những khó khăn nhất định cho hoạt động sản xuất, phát triển các chuỗi giá trị bền vững.

Hiện, số người làm nông nghiệp trên thế giới đang chiếm 60%, lĩnh vực này đang tạo việc làm cho khoảng 800 triệu người trên toàn thế giới, trong đó phần lớn là ở châu Á. Do đó, đảm bảo cuộc sống của nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp là rất quan trọng.

Để thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững, phát triển theo chuỗi giá trị thì việc song hành cần phải làm là phải đảm bảo tính bền vững của lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vì đây là ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhất là các nước Châu Á.

“Cần thảo luận về tính dư cư của các nước dẫn đến thiếu hụt lao động trong nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực châu Á”, Giám đốc điều hành Liên hiệp Trung ương các HTX Nhật Bản nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, cho biết trong bối cảnh toàn cầu đang tích cực hưởng ứng Năm Quốc tế HTX 2025, một trong những vấn đề mà khu vực châu Á quan tâm đó chính là sự giảm sút số lượng lao động những năm gần đây. Điều này do việc chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, sự chuyển dịch việc làm, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp…

Do đó, nâng cao số lượng lao động chính là đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy nông nghiệp và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của các nước.

Theo thống kê tại hội nghị, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất & xuất khẩu nông sản. Lao động nông nghiệp chiếm khoảng 40% lực lượng lao động cả nước.

Nông nghiệp đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, được coi là trụ đỡ, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covi-19, nhiều doanh nghiệp giải thể khiến không ít lao động (27% lao động) dịch chuyển từ thành thị về nông thôn. Nhưng sau đó họ lại quay lại thành thị làm việc.

Đi cùng với đó là 42,1% lao động nông thôn hiện chưa qua đào tạo khiến ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, các HTX nói riêng xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao.

Để phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người nông dân. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đầu tư vào các mô hình sản xuất tiên tiến là chìa khoá để thu hút và giữ chân lực lượng lao động nông nghiệp, HTX.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn

Cảnh báo gian lận chứng nhận hữu cơ gây rủi ro cho cả ngành hàng xuất khẩu

Nhu cầu sử dụng thực phẩm, nông sản hữu cơ tăng khiến tình trạng gian lận chứng nhận hữu cơ cũng gia tăng. Điều này vừa làm khó người tiêu dùng, vừa hạ thấp thương hiệu nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thực phẩm khi được gọi là hữu cơ phải đáp ứng được quy trình sản xuất hữu cơ. Điều này có thể được hiểu một cách sơ lược là: Đối với nông sản được trồng trọt sẽ không được sử dụng hầu hết các loại thuốc trừ sâu thông thường, không sử dụng phân bón nhân tạo, bùn thải, chất phóng xạ và vi sinh vật biến đổi gen. Đối với động vật thì không được sử dụng đến kháng sinh, hoóc-môn tăng trưởng.

Cảnh báo trong xuất khẩu

Trong điều kiện người tiêu dùng trong nước và thế giới, đặc biệt là người tiêu dùng ở châu Âu, Mỹ đang hướng đến ăn sạch, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thì việc đáp ứng quy trình sản xuất hữu cơ và có chứng nhận hữu cơ là điều kiện tiên quyết để nông sản rộng đầu ra.

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty DACE, một đơn vị chuyên xuất khẩu các loại nông sản, gia vị, cho biết các mặt hàng có chứng nhận hữu cơ quốc tế sẽ có giá bán cao hơn. Chẳng hạn như hồ tiêu, gừng, nghệ, quế hồi nếu đạt tiêu chuẩn Organic EU và Organic USDA sẽ có giá bán cao hơn khoảng 10- 25% , thậm chí cao hơn nữa so với những sản phẩm thông thường.

Còn vì sao cần có chứng nhận hữu cơ, đặc biệt là chứng nhận hữu cơ quốc tế, theo ông Hiếu, chỉ có chứng nhận hữu cơ cụ thể mới giúp đơn vị xuất khẩu xác định và xây dựng được lòng tin với khách hàng. Điều này cũng giúp HTX, doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được quy trình sản xuất của mình, khẳng định được sản phẩm mình làm ra là tự nhiên, không hóa chất.

Việc đáp ứng quy trình sản xuất hữu cơ và có chứng nhận hữu cơ là điều kiện tiên quyết để nông sản rộng đầu ra.

Tuy nhiên, trước nhu cầu sử dụng nông sản, hàng hóa hữu cơ tăng cao và mức gia tăng kinh tế khi xuất khẩu mặt hàng này, tình trạng gian lận chứng nhận hữu cơ ngày càng gia tăng.

Theo Control Union Vietnam, thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, đến thời điểm hiện tại đã có 214 đơn vị bị phát hiện giả mạo giấy chứng nhận hữu cơ, trong đó Việt Nam có 3 đơn vị chính thức nằm trong danh sách này.

Điều đó cho thấy, những nguy cơ ngày càng lớn trong xuất khẩu nông sản, hàng hóa sang thị trường Mỹ. Và con số này có thể sẽ tăng lên nếu không có biện pháp kịp thời, từ đó đe dọa nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng và uy tín của ngành thực phẩm hữu cơ.

Trong khi đó, hàng hóa xuất sang thị trường EU hay Mỹ dù có chứng nhận hữu cơ hợp lệ (Organic EU với thị trường EU, Organic USDA với thị trường Mỹ) thì vẫn có thể được lấy mẫu phân tích. Nếu phát hiện các chất vi phạm, lô hàng vẫn sẽ bị hạ xuống hàng hóa thông thường.

Điều này đồng nghĩa với việc HTX, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, hàng hóa sẽ phải đền bù cho khách hàng phần giá trị gia tăng mà vốn dĩ khách hàng phải trả cho hàng hữu cơ. Đi liền với đó, HTX, doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng xuất khẩu hàng hữu cơ cho đến khi nguồn gốc sự cố được tìm ra, giải quyết thỏa đáng và được đơn vị cấp chứng nhận phê duyệt.

Còn theo đại diện một đơn vị chứng nhận hữu cơ Việt Nam, giấy chứng nhận hữu cơ Việt Nam đều phải có khả năng tra cứu được trên website của tổ chức chứng nhận Việt Nam đó hoặc xác nhận từ tổ chức chứng nhận đó qua số hotline. Mẫu chứng nhận của các đơn vị chứng nhận hữu cơ Việt Nam cũng đã được đăng ký sở hữu trí tuệ nên được bảo hộ trên phương diện pháp luật.

Những tổ chức, cá nhân nào sử dụng chứng nhận hữu cơ giả mạo đồng nghĩa với việc thuộc hành vi vi phạm pháp luật, không trung thực. Và theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định đối với hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tránh “con sâu làm rầu nồi canh”

Thực tiễn hiện nay, nhiều HTX sản xuất hữu cơ, có chứng nhận hữu cơ chân chính ở Việt Nam rất đau đầu với vấn đề gian lận, giả mạo chứng nhận hữu cơ.

Như HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại xã Ea H’đing (Đắk Lắk) trồng chanh dây hữu cơ xuất khẩu sang châu Âu nhưng có thời điểm phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh từ những đơn vị cũng quảng bá có chứng nhận hữu cơ từ một doanh nghiệp mà HTX đã liên kết chứng nhận, xuất khẩu chanh dây. Hay HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) cũng từng gặp tình trạng xoài Mỹ Xương bị mạo danh xuất khẩu.

Điều này không chỉ làm mất uy tín của những đơn vị sản xuất hữu cơ, mà còn ảnh hưởng đến cả ngành nông sản Việt Nam xuất khẩu. Bởi mở cửa thị trường đã khó, giữ được thị trường xuất khẩu còn khó hơn. Người sản xuất, xuất khẩu nếu không nghiêm túc và cẩn trọng trong từng khâu thì sẽ dẫn đến tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng uy tín của cả ngành hàng. Và sự gian lận chứng nhận hữu cơ của một vài cá nhân, tổ chức chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu nông dân và không ít HTX trên cả nước.

Do đó, để hạn chế tình trạng này, theo các chuyên gia của Control Union Vietnam, việc kiểm tra chứng nhận hữu cơ trước khi mua hàng, ký hợp đồng là điều được khuyến nghị hiện nay. Thông qua tra cứu mã chứng nhận trên website chính thức của các đơn vị chứng nhận như USDA (nếu có chứng nhận USDA/NOP) hoặc liên hệ bất kỳ tổ chức cấp chứng nhận nào sẽ giúp giải quyết phần nào những nghi hoặc về chứng nhận hữu cơ.

Đối với người tiêu dùng, nâng cao cảnh giác với những sản phẩm được “chứng nhận hữu cơ” nhưng bán với giá quá rẻ là cần thiết. Vì bất kỳ một quy trình sản xuất hữu cơ nào cũng đi liền với sự đầu tư xứng đáng về chi phí. Không chỉ yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm tra đất, nước, khí hậu của vùng trồng, tập quán canh tác, các chứng nhận hữu cơ quốc tế hiện yêu cầu các HTX, doanh nghiệp hằng năm phải thực hiện tái đánh giá một lần về quy trình sản xuất. Đi kèm với đó là không giới hạn các đợt đánh giá đột xuất không báo trước.

Tất cả những điều này không chỉ đòi hỏi về mặt thời gian mà đi kèm với mức chi phí không nhỏ đối với từng HTX, doanh nghiệp, nên chi phí để mua sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn sẽ không thể thấp.

Một điểm đáng chú ý hiện nay là để đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao về sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông sản hữu cơ vào các thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, EU, đòi hỏi người nông dân, HTX và cả doanh nghiệp phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt ngay từ khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến, cho đến bảo quản, xuất khẩu…

Trong bối cảnh nguồn lực còn có hạn, người dân, HTX rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước về vốn, cơ chế, chính sách; kỹ thuật; thị trường…. Điều này không chỉ phần nào hạn chế tình trạng gian lận chứng nhận hữu cơ mà còn giúp ngành hàng nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam sớm tận dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong xuất khẩu.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn

Nâng vị thế cho nông sản xuất khẩu chủ lực

Nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu… đang đứng trước những cơ hội lớn trong xuất khẩu khi nhu cầu thị trường thế giới lớn, nguồn cung lại khan hiếm. Tuy nhiên, chỉ có đáp ứng các tiêu chuẩn, hoàn thiện các khâu thủ tục hồ sơ thì các Hợp tác xã, doanh nghiệp mới có thể tận dụng “sức nóng” của thị trường.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, tháng 2/2025, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 9,38 tỷ USD. Trong đó, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng, như cà phê, hạt tiêu, thủy sản…

Dư địa còn rất lớn

Năm 2024, lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt 5 tỷ USD. Hai tháng đầu năm năm 2025, xuất khẩu cà phê đạt hơn 309.000 tấn, trị giá 1,72 tỷ USD, tuy giảm 22% về lượng nhưng tăng tới 37,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024 nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh.

Đặc biệt, chỉ tính riêng tháng 2/2025, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt kỷ lục với 193.031 tấn, thu về 1,08 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD trong một tháng.

Giá cà phê nội địa chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi vẫn duy trì trên 130.000 đồng/kg bởi những lo lắng về nguồn cung vẫn chưa có dấu hiệu dừng.

Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2024/2025 có khả năng sẽ tăng thêm 5,1 triệu bao, đạt 168,1 triệu bao. Còn tồn kho cuối kỳ dự kiến giảm 1,5 triệu bao, xuống còn 20,9 triệu bao.

Mới đây, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) đã ước tính sản lượng cà phê của nước này – nơi cung cấp cà phê lớn nhất thế giới – năm 2025 chỉ đạt 52,8 triệu bao, giảm 7,5% do giảm sản lượng cà phê Arabica. Đây chính là gốc rễ cho việc giá cà phê thời gian tới sẽ khó có thể hạ ở mức thấp.

Còn đối với hạt tiêu, năm 2024, giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã đạt đến mức kỷ lục là 5.280 USD/tấn. Hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu đạt 28.000 tấn với 188,7 triệu USD, giảm 9,4% về lượng nhưng tăng 52% về giá trị.

Việt Nam đang là nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới khi chiếm khoảng 40% sản lượng toàn cầu. Trong khi theo các dự báo ở trong nước và thế giới, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 tiếp tục giảm và sẽ tạo điều kiện đẩy giá hồ tiêu lên, thậm chí có thể chạm mốc 150.000 đồng/kg trong năm nay.

Dư địa xuất khẩu cà phê còn rất lớn.

Những dự báo về hai ngành hồ tiêu, cà phê cho thấy, nông dân, HTX và doanh nghiệp cần tập trung sản xuất, chế biến và tiêu thụ để tận dụng thị trường giai đoạn này, vì dư địa về đầu ra, đặc biệt là xuất khẩu cho các mặt hàng này còn rất lớn và sôi động.

Vì sao cần tận dụng cơ hội xuất khẩu? Theo các chuyên gia, vì dù hạt tiêu, cà phê là nông sản chủ lực, đưa Việt Nam đứng thứ hai và thứ nhất về lượng xuất khẩu, nhưng tiêu thụ nội địa lại rất ảm đạm.

Ngay như mặt hàng cà phê, thống kê cho thấy, mỗi người Việt chỉ dùng trung bình khoảng 2,2 kg/năm, còn mức tiêu thụ cà phê trung bình toàn cầu hiện đã là 5,5 kg/người. Đặc biệt, tại Phần Lan, trung bình mỗi người có thể tiêu thụ 12kg cà phê/năm; tại Na Uy và Thụy Điển, mức tiêu thụ cà phê của mỗi người dân cũng khoảng 9-10 kg/năm.

Đối với hồ tiêu, 90-95% lượng hạt tiêu do Việt Nam sản xuất ra là phục vụ xuất khẩu, còn lại 5-10% là tiêu thụ nội địa.

Đảm bảo quy trình, hoàn thiện thủ tục

Dư địa thị trường đi cùng với những con số xuất khẩu vượt đỉnh khẳng định vị trí của Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, một điều mà nhiều nông dân, HTX ngành cà phê, hồ tiêu đang lo lắng đó chính là vấn đề biến đổi khí hậu khiến khâu trồng và thu hoạch những nông sản này luôn rơi vào thế bị động.

Ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc HTX Ea Tân (Đăk Lăk), cho biết thời tiết tại Tây Nguyên thay đổi thất thường, mùa khô kéo dài trong khi mưa xuất hiện vào giai đoạn cây cà phê phân hóa mầm hoa và thu hoạch, ảnh hưởng đáng kể đến năng suất và chất lượng cà phê.

Không dừng lại ở vấn đề biến đổi khí hậu, hiện nay, hàng rào kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu ngày càng gia tăng và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng.

Điển hình như EU – thị trường chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đưa ra quy định chống phá rừng (EUDR), yêu cầu truy xuất nguồn gốc đến từng nông hộ. Việc đáp ứng quy định này đòi hỏi đầu tư lớn vào hệ thống giám sát, bản đồ số và chuỗi cung ứng bền vững. Điều này chỉ thuận lợi cho những nông hộ nào đã liên kết thành các HTX. Còn những hộ sản xuất nhỏ lẻ rất khó để hoàn thiện các quy trình sản xuất, vì thế không thể xuất khẩu.

Là một trong những đơn vị xuất khẩu cà phê thành công vào nhiều thị trường, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao (Sơn La), cho rằng hầu hết các thị trường hiện nay, trong đó có EU yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và đi kèm với những đánh giá xã hội của quy trình sản xuất, như môi trường, điều kiện lao động, quyền lợi người lao động…

Tuy nhiên, Việt Nam chưa đưa ra con số, chưa xây dựng được phương thức đánh giá cụ thể để các đơn vị sản xuất có thể đánh giá được các tiêu chí xã hội trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, để xuất khẩu thuận lợi, các HTX, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến các hồ sơ, chứng từ. Ngay như giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) là chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền. C/O giúp xác nhận hàng hóa được sản xuất ở đâu và hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Đây cũng là điều kiện để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu (tránh hàng giả, gian lận thương mại).

Chẳng hạn đối với doanh nghiệp, HTX xuất khẩu cà phê sang EU, nếu những đơn vị này có C/O mẫu EUR.1 trong hồ sơ thì thuế nhập khẩu có thể giảm về 0% thay vì 7,5%.

Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng được cấp C/O. Mà để được cấp C/O, HTX, doanh nghiệp cần chứng minh được xuất xứ thuần túy hoặc hàm lượng giá trị nội địa (VCM) đạt yêu cầu theo FTA; nguyên vật liệu và quá trình sản xuất phù hợp với tiêu chí xuất xứ. Ngoài ra, HTX, doanh nghiệp phải có hồ sơ, chứng từ hợp lệ (hóa đơn thương mại (Packing List, vận đơn, tờ khai hải quan xuất khẩu…) thì mới được cung cấp đúng mẫu C/O.

Theo Huyền Trang – Vnbusiness.vn

Văn phòng KOICA Việt Nam tới thăm và làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Vừa qua, ngày 4 tháng 3 năm 2025 – Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam đã chính thức gửi đề nghị tổ chức buổi gặp gỡ và làm việc với các cơ quan trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA).

Lịch trình làm việc

Đoàn đại diện KOICA Việt Nam sẽ thăm và làm việc tại hai cơ quan:

  • Viện Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
  • Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác.

Thành phần tham dự từ KOICA Việt Nam

Tham gia buổi làm việc gồm có:

  • Bà Hwang Gayoung – Quản lý Chương trình tình nguyện viên.
  • Bà Đinh Thị Hà – Phó Quản lý Chương trình tình nguyện viên.

Mục đích chuyến thăm

Chuyến thăm được tổ chức nhằm thảo luận chi tiết về nhu cầu tiếp nhận tình nguyện viên KOICA tại hai cơ quan trực thuộc VCA là Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng Viện Kinh tế Hợp tác, đồng thời khảo sát thực tế để hiểu rõ hơn các nhu cầu và định hướng hợp tác.

Đề nghị hỗ trợ từ phía KOICA Việt Nam

KOICA mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía VCA, bao gồm:

  1. Sắp xếp lịch làm việc và tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của các nhân sự liên quan.
  2. Hỗ trợ đoàn công tác trong quá trình làm việc tại các cơ quan.

Kỳ vọng hợp tác lâu dài

KOICA khẳng định chuyến thăm lần này là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Việc triển khai các chương trình tình nguyện viên không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế hợp tác mà còn tăng cường sự gắn kết giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Thông tin về KOICA Việt Nam

KOICA là cơ quan hợp tác phát triển quốc tế của Hàn Quốc, hoạt động với mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững tại các quốc gia đối tác, bao gồm Việt Nam. Chương trình tình nguyện viên của KOICA đã đóng góp tích cực vào nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, y tế đến phát triển cộng đồng.

Chuyến thăm này là cơ hội để hai bên tiếp tục thảo luận, chia sẻ và xây dựng các sáng kiến hợp tác trong tương lai.

Cho gà thả vườn ăn thêm thứ gì mà con nào cũng khỏe, một HTX ở Tuyên Quang bán 3-5 tấn gà lông/tháng

Trước kia anh đã nuôi lợn thảo dược thành công, nay Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) nuôi thêm gà dược liệu. Theo đó, HTX thả nuôi hơn 3.000 con gà bằng cách cho ăn dược liệu, mỗi tháng xuất bán 3-5 tấn gà lông.

Có hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi lợn, anh Sáng đã trải qua rất nhiều thăng trầm với nghề, có những thời điểm tưởng chừng tay trắng, không thể vực dậy.

Nhưng rồi, với quyết tâm, nỗ lực của mình, anh đã vượt qua khó khăn và xây dựng HTX Sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung đạt được kết quả thành công ngoài mong đợi, với việc áp dụng phương pháp chăn nuôi lợn bằng thảo dược với quy mô đàn thường xuyên trên 5.000 con.

Từ những thành công có được, anh Sáng nhận được danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 và cũng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Tuyên Quang.

Với cam kết “sạch từ chất lượng đến bàn ăn”, đến nay, sản phẩm thịt lợn thảo dược Sáng Nhung đã đạt chuẩn OCOP 4 sao; 15 sản phẩm chế biến từ thịt lợn như lạp xưởng, giò, chả, xúc xích, ruốc,… cũng đạt OCOP từ 3 – 4 sao.

Sản phẩm thịt lợn thảo dược của HTX cũng được trao giải Mai An Tiêm, một trong 100 sản phẩm tiêu biểu quốc gia.

Trao đổi với Dân Việt, anh Sáng cho biết, tiếp đà thành công từ chăn nuôi lợn thảo dược, từ năm 2022, HTX đã quyết định mở rộng thêm đối tượng nuôi, đó là, thả nuôi hơn 3.000 con gà thả vườn bằng phương pháp cho ăn thảo dược.

Để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho đàn gà, tại các khu vực chuồng trại được sử dụng đệm lót sinh học; thức ăn cho gà thịt và gà đẻ trứng của HTX được phối trộn khô đậu tương với các loại cây như: húng quế, sả, gừng, tía tô, cỏ mần trầu… gà nuôi 8 tháng mới đạt độ chắc.

Anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX Sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) kiểm tra sức khỏe của đàn gà được nuôi bằng dược liệu của HTX. Ảnh: Bình Minh

Gà giống được HTX chọn lọc, nuôi thử nghiệm nhiều lứa mới lựa chọn giống gà đưa vào nuôi quy mô lớn.

Theo anh Sáng, gà giống phải đáp ứng được 3 yếu tố, thịt ngon, phù hợp nuôi chăn thả và sức chống chịu bệnh tốt vì nuôi theo an toàn sinh học tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi.

Anh Sáng cho biết, việc chăn nuôi gà thả vườn bằng thảo dược không chỉ cho chất lượng gà tốt hơn mà còn đảm bảo an toàn đối với người tiêu dùng nhờ việc kiểm soát tốt hơn tình hình bệnh dịch, giảm tỷ lệ sử dụng kháng sinh cho gà, giảm tỷ lệ gà chết.

Gà sinh trưởng, phát triển khoẻ mạnh, trọng lượng tăng đều.

“HTX mong muốn sẽ cung cấp cho thị trường sản phẩm gà thương phẩm, trứng thương phẩm chất lượng tốt. Đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn đối với sức khoẻ của người tiêu dùng”, anh Sáng chia sẻ.

Anh Nguyễn Ngọc Sáng (xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) tư vấn thịt lợn dược liệu cho khách hàng. Ảnh: J.P
Sản phẩm gà thả vườn, gà thả đồi nuôi cho ăn dược liệu của HTX Sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung được giới thiệu, bày bán tại cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung – được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ thành lập được đặt ở thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: Trang Tâm.

Để chủ động về đầu ra, HTX tiếp tục mở rộng kinh doanh sang các mặt hàng nông sản xanh và đa dạng các sản phẩm.

Theo đó, HTX hiện đã xây dựng một hệ thống bao gồm 2 đại lý phân phối và bán lẻ thực phẩm sạch mang tên Nông sản xanh Sáng Nhung ở thành phố Tuyên Quang.

Tại hệ thống đại lý phân phối của HTX có hơn 4.000 mã sản phẩm được bày bán.

Các các mặt hàng do HTX sản xuất từ thịt lợn thảo dược, thịt gà thảo dược, trứng gà thảo dược…đang tiêu thụ tại hệ thống đại lý với mong muốn đưa các sản phẩm “xanh, sạch, an toàn” đến tay người tiêu dùng.

Qua hệ thống kênh phân phối này, sản phẩm thịt gà thả vườn, trứng gà của HTX Sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung đã cung cấp trung bình mỗi tháng từ 3-5 tấn ra thị trường.

Anh Sáng cho hay, sản phẩm thịt gà, trứng gà thảo dược là một trong những sản phẩm mới, mang tính đặc trưng riêng. Hiện, HTX thực hiện nghiêm ngặt về quy trình chăn nuôi để đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Từ chất lượng ổn định đã có khả năng tiếp cận thị trường tốt, có tiềm năng phát triển lớn hơn. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hơn nữa và từng bước thực hiện các quy định để xây dựng sản phẩm thịt gà, trứng gà đạt OCOP 4 sao.

Theo danviet.vn